(VnMedia) - Tính đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 10,95% dân số; so với năm 2016, tăng 115.100 người. Trong đó, có 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 18,7% tổng số người cao tuổi)...
Chiều 19/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban.
Tính đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 10,95% dân số; so với năm 2016, tăng 115.100 người. Trong đó, có 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 18,7% tổng số người cao tuổi); hơn 2 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công.
Bên cạnh đó, hơn 9,3 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (92,8%), cao hơn tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân là 79,69 triệu người (85%).
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho biết, trong Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2017, các địa phương vận động được 164,4 tỷ đồng; tổ chức được 56.095 lần khám, tư vấn sức khỏe cho hơn 2,1 triệu người; tổ chức 24.980 hoạt động thể dục thể thao với hơn 1,6 triệu người cao tuổi tham gia.
Về công tác chăm sóc sức khoẻ, có 912.357 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm/lần do trạm Y tế xã tổ chức; hơn 1,2 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 61.609 lượt người cao tuổi bị bệnh nặng được nhân viên y tế đến nhà chăm sóc; 202.377 lượt người cao tuổi được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Cả nước có trên 71.000 câu lạc bộ về văn hóa, thể dục, thể thao thu hút 3 triệu người cao tuổi tham gia. Các loại quỹ của người cao tuổi ở các cấp tiếp tục có sự tăng trưởng, góp phần tích cực chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Cả nước có 9.617/11.161 xã, phường, thị trấn trong cả nước xây dựng được quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách pháp luật về người cao tuổi; triển khai các hoạt động đối với người cao tuổi còn chậm.
Việc thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở nhiều địa phương còn chậm do chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền, khó khăn về kinh phí trong tổ chức thực hiện. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Công tác thông tin dự báo còn chậm...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo một số bộ ngành làm rõ nguyên nhân nhiều nơi chưa thực hiện khám định kỳ cho người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi; vướng mắc triển khai hoạt động của quỹ chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; một số địa phương chưa bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác này…
“Các bộ khẩn trương ra văn bản đôn đốc địa phương, các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc những quy định trong Luật Người cao tuổi đối với công tác chăm sức khoẻ ban đầu, cũng như các chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác, trong đó tập ưu tiên cho nhóm đối tượng yếu thế”, Phó Thủ tướng đề nghị và lưu ý Bộ LĐTB&XH chủ trì xây dựng phương án sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia thích ứng với gia hoá dân số theo tinh thần của các Nghị quyết Trung ương 6 (khoá 12) về chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể, không chỉ đạo chung chung, hình thức.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc