(VnMedia) - Cụm công trình khoa học: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số của Trường Đại học Y dược - Đại học Huế vừa vinh dự nhận giải thưởng cuộc thi Nhân Tài Đất Việt 2017. Đề tài này do GS.TS Cao Ngọc Thành- Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế làm chủ nhiệm.
Đây là cụm công trình bao gồm 3 công trình nghiên cứu đã được nhà trường “dày công” thực hiện qua nhiều năm. Trong đó công trình thứ nhất nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng cho phụ nữ toàn quốc về Tiền sản giật - Sản giật - bệnh lý thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vọng mẹ và thai nhi trong thai kỳ. Công trình thứ hai đã áp dụng các cách đánh giá, chấn đoán vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc, áp dụng phẫu thuật nội soi điều trị nối thông vòi tử cung, gỡ dính và/hoặc tái tạo loa vòi, theo dõi và đánh giá kết quả điều trị bằng tình trạng vòi tử cung và tình trạng có thai sau mổ cho phụ nữ vùng miền Trung & Tây Nguyên.
Công trình cuối cùng hướng đến phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra một số giải pháp phòng chống nhiễm HPV sinh dục nữ cho người dân và giúp triển khai ứng dụng rộng rãi phương pháp VIA để sàng lọc ung thư cổ tử cung tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế, đặc biệt là ở tuyến huyện và xã, nơi điều kiện nguồn lực còn hạn chế.
Đây là giải thưởng được trao cho tác giả hoặc tập thể tác giả công trình, cụm công trình nghiên cứu xuất sắc về y dược đã được ứng dụng vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao trong khám chữa bệnh và có ý nghĩa kinh tế- xã hội lớn.
Đột biến gen gây tiền sản giật
Tiền sản giật - Sản giật tại Việt Nam vẫn là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm nhất. Những phụ nữ có bệnh lý này thường đến bệnh viện muộn. Trong khi đó, những nghiên cứu về mặt bệnh nguyên (nguyên nhân sinh bệnh) của Sản giật – Tiền sản giật vẫn có nhiều vấn đề bỏ ngỏ.
Xuất phát tình hình như thế, nhóm tác giả trường ĐH Y Dược Huế đã tập trung nghiên cứu mô hình dự báo bệnh, nghiên cứu quy trình chuẩn xác định biến dị di truyền và biểu hiện mRNA ở một số gen liên quan và nghiên cứu xây dựng phác đồ điều trị dự phòng.
Trong thời gian nghiên cứu, đề tài đã thực hiện sàng lọc, theo dõi cho gần 3.500 thai phụ tuổi thai từ 11-13+6 tuần thai kỳ. Xây dựng được mô hình dự báo có tỷ lệ phát hiện Tiền sản giật phát triển trước 34 tuần lên đến 81,8%, tỷ lệ phát hiện tiền sản giật phát triển sau 34 tuần là 45,6% chỉ với tỷ lệ dương tính giả 5%, kết quả sàng lọc tỏ ra vượt trội so với các phương pháp sàng lọc truyền thống.
Kết quả cho thấy mô hình này đặc biệt hiệu quả cao đối vói nhóm bệnh lý Tiền sản giật xuất hiện sớm, đây là nhóm bệnh đi kèm với tình trạng diễn biến nặng cũng như kết quả thai kỳ bất lợi. Hiệu quả dự báo tốt ở nhóm đối tượng này là cơ sở để có chiến lược can thiệp dự phòng sớm và có chế độ quản lý thai kỳ hợp lý.
Trong thời gian nghiên cứu, công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc bệnh lý Tiền sản giật – Sản giật và xây dựng phác đồ điều trị dự phòng” của trường đã đã thực hiện sàng lọc, theo dõi cho gần 3.500 thai phụ tuổi thai từ 11-13+6 tuần thai kỳ.
Kết quả đã xây dựng được mô hình dự báo có tỷ lệ phát hiện Tiền sản giật phát triển trước 34 tuần lên đến 81,8%, tỷ lệ phát hiện Tiền sản giật phát triển sau 34 tuần là 45,6% chỉ với tỷ lệ dương tính giả 5%, kết quả sàng lọc tỏ ra vượt trội so với các phương pháp sàng lọc truyền thống.
Đáng chú ý nhất trong đề tài này chính là tìm hiểu liên quan đột biến G1691A và đa hình M235T với Tiền sản giật. Theo đó, đã phát hiện người mang gen đột biến G1691A có nguy cơ mắc Tiền sản giật cao gấp 29,04 lần và đột biến này có liên quan với mức độ nặng của bệnh.
Nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên quan giữa tỷ số SERPINE1 mRNA/GAPDH mRNA, là biểu hiên của gen có nguồn gốc rau thai, với bệnh lý Tiền sản giật và đã thiết lập được phương trình hồi quy logistic có giá trị dự báo Tiền sản giật dựa vào 2 tỷ số FLT-1 mRNA và SERPINE1 mRNA so với gen chứng cho tỷ lệ phân loại đúng của mô hình là 91,18%.
Đây là những nội dung nghiên cứu rất chuyên sâu và lần đầu tiên thực hiện nghiên cứu tại Việt Nam bằng các kỹ thuật tiên tiến, là tiền đề để nghiên cứu các biến chứng thai kỳ trong đó có Tiền sản giật bằng sàng lọc trước sinh không xâm lấn.
Có thể dự phòng tiền sản giật hiệu quả tại Việt Nam
Trên cơ sở khả năng dự báo sự hình thành Tiền sản giật tại thời điểm 11-13+6 tuần thai kỳ, đề tài đã thực hiện thử nghiệm (ngẫu nhiên, có nhóm chứng) về hiệu quả dự phòng Tiền sản giật bằng aspirin liều thấp và bổ sung canxi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy can thiệp aspirin liều thấp làm giảm 69% tỷ lệ Tiền sản giật. Trong khi bổ sung canxi làm giảm 49% tỷ lệ Tiền sản giật.
Như vậy, nghiên cứu khẳng định có thể tiếp cận điều trị dự phòng bệnh lý Tiền sản giật ngay ở giai đoạn sớm trong thai kỳ trên nhóm đối tượng nguy cơ cao phát triển bệnh được xác định bằng mô hình phối hợp nhiều yếu tố dự báo. Đây là phác đồ đầu tiên được đưa ra dựa trên dữ liệu nghiên cứu chính thức trên quần thể thai phụ tại Việt Nam.
Việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc bệnh lý tiền sản giật – sản giật và xây dựng phác đồ điều trị dự phòng sẽ giúp cho rất nhiều thai phụ trên toàn quốc
Được biết đây là đề tài với quy mô nghiên cứu lớn nhất được công bố tại Việt Nam, kết quả đề tài có thể ứng dụng được trong các cơ sở y tế trong nước, giúp nâng cao chất lượng sàng lọc, khám chữa bệnh cho nhân dân. Vì xác định sớm nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao phát triển tiền sản giật trong thai kỳ với tính chính xác cao, qua đó có chiến lược dự phòng và quản lý phù hợp, hạn chế được những tác động của bệnh lý đến thai kỳ.
“Chúng tôi mong muốn qua đây sẽ đề xuất các kết quả nghiên cứu đến các cấp có thẩm quyền, Bộ Y tế, Hội Sản phụ khoa Việt Nam để áp dụng các kết quả trên với các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em sơ sinh, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh lý Tiền sản giật - Sản giật ở thai phụ trên toàn quốc” - GS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) tâm huyết bày tỏ.
Khánh An
Ý kiến bạn đọc