Tổng nợ vượt 1/4 thu ngân sách, Chính phủ quyết không nới trần nợ công

13:39, 16/11/2017
|

(VnMedia) - "Tổng trả nợ của chúng ta, kể cả trả nợ trực tiếp từ ngân sách và vay để đảo nợ, đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. Do đó, “Chính phủ nói không với tăng trần nợ công” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn  mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công

Nợ công không xấu, đầu tư công không hiệu quả vô cùng xấu

Sáng nay (16/11), trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nhận định, kìm hãm sự tăng tốc nợ công đã được nói nhiều trong thời gian qua. Nhưng theo ông, “điều quan trọng là hiệu quả đầu tư công".

“Nợ công không xấu, đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, vì chúng ta phải trả nợ kép (tiền gốc và tiền lãi), bên cạnh đó phải trả bù lỗ doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả”, ĐB Nguyễn Quang Tuấn nói. 

ĐB Tuấn dẫn chứng: “Vừa qua chúng ta có 12 doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư không hiệu quả, đội vốn đầu tư gây thất thoát rất nhiều. Việc phải bù lỗ cho các doanh nghiệp họat động không hiệu quả gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nền kinh tế nước ta, đồng thời ảnh hưởng xấu đến uy tín nước ta trên trường quốc tế".

“Như vậy, song song với báo cáo kìm hãm phát triển nợ công, thì phải báo cáo đầu tư công hiệu quả ra sao, không đầu tư được thì kinh tế không phát triển được”, ĐB Nguyễn Quang Tuấn chỉ rõ và nhấn mạnh, “đầu tư không hiệu quả làm cho kinh tế càng xấu hơn".

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: Trước đây, do chưa có Luật Đầu tư công nên việc quyết định đầu tư còn tùy tiện và vượt so với khả năng cân đối của ngân sách cả ở trung ương và địa phương.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

“Trong mỗi giai đoạn 2005 - 2010, 2011 - 2015, chúng ta có hơn 20 nghìn dự án, cả lớn lẫn bé, cả của bộ, ngành, địa phương quyết định đầu tư, không rõ nguồn vốn ở đâu và không rõ có khả năng bao nhiêu để giải ngân được, cho nên việc dàn trải dẫn đến thất thoát, phải dừng, giãn, hoãn rất lớn” - Bộ trưởng thông tin.

Do vậy, Khi đó, Chính phủ đã ban hành nghị định 1792, và Quốc hội luật hóa lên thành Luật đầu tư công. Đến nay, trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ còn hơn 1.000 dự án, đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đây, bám sát khả năng cân đối của ngân sách.

“Đây là một hạn chế chúng ta đã khắc phục được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ. Với nợ đọng của các giai đoạn trước, Bộ trưởng cho biết, đã tập trung ở giai đoạn 2016 - 2020 để xem xét, giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, với một số dự án có mức vượt lên nhiều so với tính toán và nhu cầu thực tế, Bộ trưởng thừa nhận, “chúng ta chưa có biện pháp để kiểm soát vấn đề này”. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan để xây dựng định mức để tính toán, làm cơ sở xây dựng dự toán và phê duyệt tổng mức đầu tư.

Về hiệu quả dự án đầu tư công chưa cao, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc triển khai đầu tư đang phải thực hiện nhiều thủ tục, như giải phóng mặt bằng, đấu thầu… làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên buộc phải điều chỉnh. Khi vượt lên không có nguồn để bố trí vốn, dẫn đến phải dừng, giãn, hoãn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công để thực hiện trong thời gian tới, đồng thời Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát lại bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công, trình Chính phủ, QH cho sửa Luật Đầu tư công theo hướng bảo đảm quản lý chặt chẽ đầu tư công, giải quyết thủ tục thuân lợi, nhanh gọn cho các đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư công, trong đó có cả Nghị định 136.

Với vấn đề nợ công liên quan đến vay nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, vừa qua QH đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn… Tuy nhiên, các dự án ODA vay nước ngoài, hiện nước ta đang chuyển sang giai đoạn nước có thu nhập trung bình, nên các nước đã giảm vốn ODA và ưu đãi, chuyển sang vay thương mại, tức là có lãi suất cao hơn, thời gian vay ngắn hơn.

“Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để giải quyết các vấn đề cho các dự án dự án sử dụng vốn ưu đãi vào năm 2017 - 2018. Sau năm 2018, chuyển sang vay thương mại, ưu đãi sẽ giảm đi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Khẳng định những hạn chế nêu trên không phải bất cập của Luật Đầu tư công, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Luật Đầu tư công hiện hành rất tiến bộ, đã khắc phục nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư công. Tuy nhiên, “trong thực thi đầu tư công có những vấn đề cần tổng hợp, rà soát lại, chứ không chỉ bất cập của Luật”.

Chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, có tình trạng ỷ lại ngân sách Trung ương, thường dành vốn cho mục tiêu khác, sau đó lại xin Trung ương bổ sung vốn; Năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, dẫn đến nhiều dự án vỡ thầu, chậm tiến độ, vượt chi phí, gây thất thoát và lãng phí vốn đầu tư; Do trình độ của chủ đầu tư, tư vấn yếu nên tình trạng chuẩn bị sơ sài, mang tính hình thức vẫn tồn tại dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

Như vậy, theo ĐB Sinh, “không thiếu cơ sở pháp luật mà do thực thi pháp luật không nghiêm”.

Điều đáng nói, theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh, đây không phải hạn chế từ năm 2011, mà là hạn chế của đầu tư công năm 2017 và chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Những hạn chế này không khắc phục ngay thì năm 2021 chắc chắn Chỉ thị 1792 mới của Thủ tướng Chính phủ sẽ phải ban hành, với hậu quả sẽ khốc liệt hơn. Các dự án không được bố trí vốn sẽ phải dừng lại. Như vậy, sẽ phải đình lại để kiểm soát nợ công, hoặc vay tiếp mà nợ công không được kiểm soát, sẽ rất khó khăn” – ông Sinh cảnh báo.

Sau khi nghe 2 Bộ trưởng giải thích về nợ công và ODA, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết, hiện nay nợ công tăng cao, quản lý ODA rất bất cập, nhiều năm vượt dự toán, ký kết vay nợ chưa đánh giá tác động, tổng mức ODA ngoài tầm kiểm soát. Ủy ban Tài chính - Ngân sách 2 lần có văn bản đề nghị Chính phủ cung cấp tình hình vay nợ ODA nhưng đến nay chưa có thông tin.”

Vậy “xin hỏi Bộ trưởng, để có số liệu vay ODA của quốc gia cần bao nhiêu thời gian để tổng hợp? Với tình hình quản lý hiện nay có bảo đảm vay ODA giai đoạn 2016-2020 trong mức 300 nghìn tỷ đồng mà QH cho phép không? Có giữ được trần nợ công không? - ĐB Hoàng Quang Hàm liên tục đặt câu hỏi.

Chính phủ nói không với trần nợ công

Giải trình, làm rõ thêm những ý kiến của ĐBQH về nợ công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, năm 2015, nợ công đã đến sát trần 65%, dư nợ Chính phủ trên 50%, vượt trần cho phép.

Giải đáp câu hỏi “trong điều kiện chính sách tài khóa còn rất chật hẹp, kinh tế thế giới và khu vực cũng còn nhiều khó khăn - vậy lựa chọn chính sách như thế nào?”, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều thành viên Chính phủ, chuyên gia và các ĐBQH khuyến cáo Chính phủ trình Trung ương, trình QH nới trần nợ công để có vốn cho đầu tư phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao khi đất nước còn nghèo, nhu cầu phát triển rất lớn…

“Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết. Tổng trả nợ của chúng ta, kể cả trả nợ trực tiếp từ ngân sách và vay để đảo nợ, đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. Do đó, “Chính phủ nói không với tăng trần nợ công” – Phó Thủ tướng nhấn  mạnh.

Ông Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì để xây dựng Đề án cơ cấu lại chi ngân sách để bảo đảm bền vững an toàn nợ công, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình QH ban hành các Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, quan điểm là phải đặt trong tổng thể cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, đạt hiệu quả bền vững; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế; chỉ vay khi có khả năng trả nợ. Phải giải quyết hài hòa các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Siết chặt kỷ cương tài chính ngân sách, tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu trong thu chi ngân sách và xóa bỏ nợ công, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho.

Về các nhóm giải pháp chính, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm một nhóm các giải pháp chính mà Chính phủ thực hiện từ nay đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh: “Tôi tán thành với quan điểm vay nợ thế nào không quan trọng lắm mà quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay.”

“Nợ công đã tốt hơn, giảm còn 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%" – Phó Thủ tướng cho biết.

Xuân Hưng

 


Ý kiến bạn đọc