(VnMedia) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có phạm nhân đang chấp hành án vẫn được sử dụng điện thoại, facebook điều hành băng nhóm xã hội đen ở địa phương…
Sáng nay (6/11), trình bày báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017 tại Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, năm 2017 hoạt động tội phạm được kiềm chế, kéo giảm.
Theo Bộ trưởng, tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia qua điều tra cho thấy, các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phá hoại các hoạt động về tư tưởng, xuyên tạc, móc nối, hướng dẫn chỉ đạo chống Đảng, nhà nước, kích động gây rối an ninh trật tự, âm mưu tiến hành các hoạt động khủng bố phá hoại; hoạt động tấn công mạng diễn ra nghiêm trọng, tình trạng lộ lọt bí mật nhà nước gia tăng về số vụ, tính chất.
Về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, năm 2017 đã khởi tố, điều tra 40.497 vụ, 58.983 bị can (giảm 5,48% số vụ, 8,08% số bị can, so với 2016). Tuy nhiên hoạt động của các băng nhóm tội phạm tổ chức, lưu manh côn đồ sử dụng vũ khí vẫn diễn ra ở 1 số nơi, đáng chú ý có sự gắn kết đan xen giữa tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế, ma tuý.
“Tội phạm hình sự núp bóng DN, tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất manh động xảy ra ở 1 số địa phương. Đã phát hiện, khởi tố điều tra 854 vụ, 1.490 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; 220 vụ, 479 bị can về tội tham nhũng…”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu.
Ông cho hay, hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, xảy ra trên nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, đất đai, tài nguyên khoáng sản…
Về đấu tranh phòng chống tội phạm, Bộ trưởng Công an cho biết, lực lượng chức năng đã giải quyết 100.986/113.515 vụ tố giác tin báo về tội phạm; công tác bắt, vận động đầu thú, thanh loại 7.916 đối tượng truy nã, hiện còn 11.779 đối tượng truy nã.
Theo Bộ trưởng, năm 2018 tình hình tội phạm vi phạm có diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, hoạt động tinh vi và liều lĩnh hơn, vi phạm pháp luật còn xảy ra nhiều nếu không có biện pháp quyết liệt.
Làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh
Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, những vi phạm pháp luật và tội phạm nổi lên không chỉ mới xuất hiện trong năm 2017 mà đã kéo dài nhiều năm và đang tiếp tục gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, cho thấy hiệu quả công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế. Cho đến nay, vẫn chưa xử lý dứt điểm 87 vụ tố cáo khiếu nại đã tồn tại qua nhiều năm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc còn nể nang, né tránh, chưa xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý khi để xảy ra vi phạm, thậm chí có cả trường hợp “bảo kê” cho vi phạm.
Về công tác điều tra tội phạm, bà Nga cho biết vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc thời gian qua còn để xảy ra một số đối tượng có dấu hiệu phạm tội trong các vụ án lớn, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng bỏ trốn trước khi CQĐT áp dụng biện pháp ngăn chặn, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.
Trong kỳ báo cáo, cơ quan thi hành án dân sự đã tiếp nhận 361 bản án quyết định hành chính có nội dung yêu cầu theo dõi việc thi hành án, nhìn chung, số tỷ lệ thi hành thấp, còn 85 việc chưa thi hành được, trong đó có 50 việc mà người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
“Uỷ ban Tư pháp cho rằng, đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của nhà nước, đây là đối tượng cần phải nghiêm túc gương mẫu nhất trong thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một tồn tại lớn đã hạn chế qua nhiều năm, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận định.
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan đồng thời cần tiếp tục có biện pháp đảm bảo kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án quyết định hành chính của tòa án.
“Đề nghị Chính phủ công khai trước QH những UBND, Chủ tịch UBND chậm trễ hoặc không thi hành bản án hành chính của tòa án, làm rõ trách nhiệm trong từng trường hợp cụ thể” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Bà Nga cũng nêu lên một thực tế, đó là số người trốn thi hành án phạt tù còn lớn và kết quả truy bắt người trốn thi hành án thấp hơn so với cùng kỳ. Công tác kiểm soát an ninh ở các trại giam còn bất cập…Theo đó, cá biệt có phạm nhân đang chấp hành án vẫn được sử dụng điện thoại, face book điều hành băng nhóm xã hội đen ở địa phương…. Vẫn còn những trường hợp phạm nhân tự tử, chết do đánh nhau trong trại giam…
Về nguyên nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, các cơ quan chức năng chậm phát hiện vi phạm pháp luật, một số trường hợp chỉ khi có phản ứng của người dân, công luận lên tiếng mới tiến hành thanh tra, kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm; Hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng chưa cao nên chưa kịp thời phát hiện và ngăn chặn một số vi phạm xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng…
Từ các vụ án oan thời gian qua như vụ ông Chấn, ông Nén… có nhiều thông tin cho thấy bị điều tra viên bức cung nhục hình để ép khai báo sai sự thật nên phải nhận tội, Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Công an, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tối cao rà soát đánh giá cụ thể vấn đề bức cung nhục hình để có giải pháp khắc phục triệt để.
Bà Lê Thị Nga cũng đề nghị Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao khẩn trương rà soát tình hình biên chế trong toàn ngành và thực hiện điều động bắt buộc thay vì tự nguyện của các cán bộ như trong thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Viện KSND tôi cao làm rõ những hạn chế trong công tác kháng nghị đối với các bản án dân sự hành chính trong năm 2017, đặc biệt là làm rõ nguyên nhân vì sao Viện KSND tối cao chỉ kháng nghị được 1 vụ trong khi TAND tối cao kháng nghị tới 100 vụ…
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc