(VnMedia) – “Dường như rất ít cơ quan thực hiện công khai, minh bạch và chỉ coi đó là một việc thiếu sót… Thiếu sót thì kiểm tra, rồi chỉ đến mức rút kinh nghiệm, xin lỗi. Xin lỗi chưa đủ thì thành thật xin lỗi” - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Văn Phương nói về công tác chống tham nhũng.
Bỏ lọt số lượng lớn tội phạm
Thảo luận tại Hội trường Quốc hội ngày 6/11, phân tích về khả năng bỏ lọt tội phạm qua việc tạm đình chỉ vụ án, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết, theo báo cáo năm 2017, có 12 nghìn 134 vụ án đang được tạm đình chỉ, tăng 6,25% so với 2016.
Nêu lên hai căn cứ để tạm đình chỉ vụ án là: khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết hạn điều tra; khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu chỉ tạm đình chỉ khi hết thời hạn điều tra. Đại biểu Hoàng Văn Hùng cho biết, trong số các vụ án tạm đình chỉ có một số lượng đáng kể là đình chỉ theo căn cứ thứ hai, nghĩa là đã hết thời hạn điều tra mà chưa xác định được bị can.
“Theo thông tin tôi được biết, tổng số các vụ tạm đình chỉ chưa phục hồi điều tra trên phạm vi cả nước qua nhiều năm cho đến thời điểm hiện nay là rất lớn so với con số nêu trên. Nếu không tích cực điều tra để phục hồi điều tra sẽ dẫn đến hết thời hiệu xử lý hình sự vì án này chưa khởi tố được bị can và khả năng bỏ lọt một số lượng lớn tội phạm không bị xử lý” - ĐB tỉnh Thái Nguyên
ĐB Hùng thống nhất với kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra, thống kê tổng số vụ án, bị can đang bị đình chỉ điều tra từ trước cho đến thời điểm báo cáo, phân tích các trường hợp tạm đình chỉ, các trường hợp sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, kịp thời làm rõ các vụ án có căn cứ để khôi phục điều tra, tránh bỏ lọt tội phạm.
Về đảm bảo thời hạn và chất lượng điều tra, truy tố các vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc thẩm quyền cơ quan điều tra cấp trung ương tiến hành điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát điều tra, ĐB Hùng dẫn chứng: Năm 2017, trong tổng số 45 vụ án do cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền công tố có đến 32 vụ án kinh tế, tham nhũng bị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, chiếm tới 71,1%.
“Việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, thậm chí là trả nhiều lần, dẫn đến kéo dài tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, trong đó hầu hết đều là những vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đã gây bức xúc trong cử tri và nhân dân” - ĐB Hùng thẳn thắn nêu.
Ông đề nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương kết thúc điều tra bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để truy tố, xét xử đối với 32 vụ án kinh tế, tham nhũng bị trả hồ sơ của năm 2017, đảm bảo tiến độ, chất lượng giải quyết vụ án và đáp ứng được sự mong đợi của cử tri trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng.
Đồng thời, đề nghị liên ngành tư pháp trung ương có giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Không thể rung cây dọa khỉ mãi được!
Cũng quan tâm đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đánh giá, việc thực hiện chế độ công khai, minh bạch không được chấp hành nghiêm túc.
“Dường như rất ít cơ quan thực hiện công khai, minh bạch và chỉ coi đó là một việc thiếu sót, chứ không phải vi phạm pháp luật. Và thiếu sót thì lâu nay chúng ta kiểm tra, kiểm tra rồi thì chỉ đến mức rút kinh nghiệm, xin lỗi. Xin lỗi chưa đủ thì thành thật xin lỗi. Vì vậy việc chấp hành pháp luật của chúng ta không nghiêm, người dân dị nghị về chuyện tham nhũng, tiêu cực của chúng ta không được chú ý đấu tranh phòng, chống” – ĐB Bùi Văn Phương nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thì nêu lên một thực trạng, đó là thời gian qua, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện đã vạch mặt ra những con mèo ăn vụng của dân, của nước. Hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra trung ương xét xử.
“Dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý. Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội?” – ĐB tỉnh Quảng Trị đặt câu hỏi.
ĐB Thắng cho biết, cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật không để hành chính hóa các quan hệ hình sự. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được!
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc