Hôm nay (11/10), nhiều vùng thuộc huyện Trạm Tấu, Thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, Yên Bái bị mưa giông, lũ dữ tàn phá kinh hoàng. Xác nhận ban đầu có 13 người chết và mất tích (trong đó có một phóng viên TTXVN), hơn 700 ngôi nhà bị ngập, tổng thiệt hại tạm ước tính hơn 100 tỷ đồng.
Cơn lũ bắt đầu tàn phá Yên Bái từ đêm 10/10 tại huyện vùng cao Trạm Tấu. Mưa lớn kèm theo giông lốc và lũ đổ về đã cuốn trôi khiến 3 người chết tại bản Hát Hai, xã Hát Lừu. Đến sáng này, huyện này xác nhận có thêm 5 người nữa bị lũ cuốn mất tích, 5 người khác bị thương. Các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã cố gắng giải thoát được 28 người ra khỏi vùng nguy hiểm. Đường từ Thị xã Nghĩa Lộ lên huyện Trạm Tấu bị chia cắt hoàn toàn. Đáng lo nhất là đập thủy điện Trạm Tấu có nguy cơ bị vỡ.
Lượng nước lớn từ vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải bất ngờ đổ về thung lũng Mường Lò (Thị xã Nghĩa Lộ) và nhiều xã của huyện Văn Chấn lúc rạng sáng 11/10, khiến nhiều hộ dân ở hai địa bàn này không kịp trở tay. Nước suối Thia dâng cao liên tục và cuốn siết với tốc độ rất lớn. Chỉ từ sáng đến trưa đã ghi nhận từ 300 ngôi nhà rồi lên đến 740 nhà bị ngập, trong đó có 30 nhà bị sập trôi hoàn toàn (14 nhà ở Văn Chấn, 10 nhà ở thị xã Nghĩa Lộ và 6 nhà ở Trạm Tấu).
Có tới 11 xã của Văn Chấn bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó xã Phúc Sơn bị nặng nhất. Đáng chú ý có 2.000m kè ở huyện này và Nghĩa Lộ bị tàn phá, tiềm ẩn những nguy hiểm tiếp theo. Nhiều điểm dân cư trong thung lũng Mường Lò như, thôn Nậm Đông, bản Phán Hạ, bản Sà Rèn bị cô lập. Tính đến trưa nay, nước tiếp tục dâng cao nguy hiểm nhưng đến đầu giờ chiều thì tạm rút.
Vào cuối giờ chiều nay, Ủy ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết Văn Chấn có 4 người trong một hộ gia đình bị mất tích.
Tại Nghĩa Lộ, anh Đinh Hữu Dư, phóng viên thường trú của TXVN khi đang tác nghiệp trên cầu suối Thia, đã bị lũ cuốn mất tích vào thời điểm cây cầu này bị lũ đánh sập, hiện chưa được tìm thấy. Ủy ban TKCN tỉnh Yên Bái cho biết lũ dữ cuốn theo nhiều đất đá, củi gỗ đã gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ đang ứng trực tìm kiếm nạn nhân. Cây cầu bị sập cũng đã khiến thị xã Nghĩa Lộ tạm thời bị cô lập cho đến khi lực lượng chức năng tổ chức cho dân qua lại bằng cây cầu mới cách đó 500m với khuyến cáo hạn chế.
Huy động tối đa lực lượng khắc phục hậu quả
Con số thiệt hại về người và tài sản do lũ miền tây Yên Bái liên tục tăng lên từng giờ trong suốt hôm nay. Ban đầu chỉ có 13 nhà phải di dời, nhưng đến chiều đã tăng lên 153 (trong đó có cả 17 nhà của huyện Văn Yên do sạt lở kinh hoàng tại khu vực ga đường sắt Lâm Giang). Cả tỉnh có tổng cộng 20 người thương vong (3 người chết, 10 người mất tích, 7 người bị thương). Hàng chục ha hoa màu bị xóa trắng, giao thông bị tàn phá nghiêm trọng, ước tính thiệt hại tài sản ban đầu khoảng 100 tỷ đồng.
Ngay trong buổi sáng, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ huy khắc phục thảm họa. Chiều cùng ngày, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy, sau phiên bế mạc Hội nghị TW 6, cũng đã tức tốc từ Hà Nội lên thẳng Nghĩa Lộ cùng chỉ đạo ứng cứu, họp khẩn cấp các lực lượng, chủ động với tinh thần hết sức khẩn trương, phương châm 4 tại chỗ, tập trung lực lượng di dời dân, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt hại, chỉ đạo y tế cứu chữa người bị thương, lo mai táng người chết, tất cả phải bằng mọi giá sớm ổn định đời sống cho nhân dân.
Các lực lượng được huy động lên đến 2.200 người gồm quân đội, công an, đoàn viên thanh niên và dân phòng tại chỗ, kèm theo nhiều phương tiện để tìm kiếm các nạn nhân mất tích, cũng như hỗ trợ người dân ở khu vực mưa lũ.
Tin cuối giờ chiều nay, nước lũ đã rút nhưng chậm và miền tây Yên Bái tiếp tục có mưa lớn. Trận lũ được người dân vùng Mường Lò và các xã liên quan thuộc huyện Văn Chấn cho rằng chưa từng có trong lịch sử vùng đất này từ hàng chục năm qua.
Ý kiến bạn đọc