Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói gì về việc Hà Nội đổi đất lấy các cây cầu?

08:36, 22/09/2017
|

(VnMedia) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, khi xây dựng xong các cây cầu, giá đất chắc chắn sẽ tăng cấp số nhân, và cần phải lấy giá đất đã tăng này làm cơ sở để tính toán trả cho nhà đầu tư, tránh bị lợi dụng, không minh bạch.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại cuộc họp báo
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại cuộc họp báo - ảnh: Khương Trung

Như VnMedia đã đưa tin về việc Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng 4 cây cầu bắc qua sông Hồng bằng hình thức BT, đổi hàng nghìn ha đất (ở những khu vực nơi cây cầu sẽ dẫn đến hoặc đi qua), trong đó có cả đất bãi sông Hồng. Điều này dấy lên lo ngại về tính minh bạch của việc định giá đất cũng như cơ chế đấu thầu công trình, tránh thất thoát cho nhà nước.

Trả lời phỏng vấn của VnMedia, GS-TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc cho rằng, hiện nay, trên thế giới không nước nào còn sử dụng hình thức “cổ lỗ sĩ” là lấy con gà đổi lấy con thỏ như vậy  nữa. "Đất phải đấu giá, công trình phải đấu thầu thì mới minh bạch" - ông Trần Trọng Hanh nhấn mạnh. 

Tại cuộc giao ban báo chí Quý III/2017, phóng viên VnMedia đã đưa ý kiến này ra và đặt câu hỏi: Hình thức đầu tư BT đổi đất lấy hạ tầng có phù hợp với pháp luật Việt Nam hay không? Và làm thế nào để minh bạch trong việc sử dụng phương thức BT này?

Trao đổi với VnMedia, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, quan điểm cá nhân ông, BT là một hình thức rất là tốt, việc khai thác các quỹ đất để có vốn xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đóng góp nhiều cho 3 mục tiêu chiến lược trong Đại hội 11 của Đảng. Quá trình triển khai, về cơ bản là đóng góp nhiều cho sự phát triển.

Nhưng có vấn đề cần suy xét, đó là quy định của pháp luật thì nhà đầu tư phải xây dựng xong công trình hạ tầng thì mới giao đất, và đến khi đó thì mới định giá đất ở chỗ đó. Hiện nay đang vướng là nhà đầu tư muốn hạch toán lỗ lãi ngay trước khi làm công trình, xem sẽ được bao nhiêu đất. Vị trí thì có thể đã xác định rồi, nhưng giá cả, thanh toán ra sao thì hiện nay trong Luật Đất đai thì lúc nào xây xong công trình, nhà nước tính toán tiền nhà đầu tư xây bao nhiêu thì mới tính trả đất, và lúc đó mới có giá. Hiện nay giữa các quy định của pháp luật đang có vấn đề đó. Khi chúng ta tính, có thể trả nhiều (đất - pv) hơn, nhưng phần dư ra thì nhà đầu tư phải trả thêm tiền, thiếu thì được giao thêm. Quan trọng là vấn đề định giá, lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch thì sẽ khắc phục được khó khăn hiện tại. Quan điểm của tôi là vẫn ủng hộ giải pháp dùng quỹ đất để thanh toán lấy hạ tầng trong điều kiện chúng ta đang thiếu vốn” - ông Đào Trung Chính nói.

Cũng chia sẻ quan điểm cá nhân đối với phương thức BT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Về mặt chính sách pháp luật đã có quy định rõ ràng, quan trọng là ở cách tổ chức thực hiện. Theo Bộ trưởng, BT là một mô hình dù còn nhiều khiếm khuyết, nhưng Đà Nẵng đã phát triển được hệ thống hạ tầng, chỉnh trang đô thị nhờ BT và chính sách này lúc chưa thể chế hóa bằng các quy định thì Đà Nẵng đã đi trước làm trước.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh đầu tiên hình thành ra cách làm này. “Người dân được lợi nếu chúng ta làm đúng. Trong khi cơ sở hạ tầng khập khiễng, lạc hậu, nguồn lực của Chính phủ còn khó khăn cho đầu tư, khi huy động được (nhà đầu tư - PV) thì phải xem xét về tính minh bạch, tổ chức triển khai (đã có hết), nhưng có làm đúng không?".

Đà Nẵng thành công, Bà Rịa - Vũng Tàu thành công, người dân được hưởng lợi. Những cây cầu đó sẽ tạo ra những vùng phát triển mới, như Đà Nẵng, có những vùng đất bán không ai mua, nhưng khi xây cầu xong, thì tính giá đất ở thời điểm xây cầu xong để trả cho nhà đầu tư, vậy là đất đó đã được tính toán trên giá trị địa tô đầu tư cây cầu đó và nâng giá trị lên".

Người dân có lợi, và nhà đầu tư cũng phải có lợi. Ngày xưa giá đất ở đó có thể chỉ 1 đồng, bây giờ là 100 đồng. Câu chuyện là chúng ta kiểm soát chặt chẽ ở chỗ này để mà định giá đất. Khi phát triển hạ tầng mà phát triển đúng, sau này có 4 cây cầu thì tôi khẳng định là sẽ có 4 vùng phát triển mới, đất ở các vùng đó sẽ tăng lên cấp số nhân. Nhưng làm gì cũng phải hài hòa, đừng quá nghiêng về nhà nước, cũng đừng quá nghiêng về doanh nghiệp. Đừng cực đoan từ bên này sang bên kia. Nhiều dự án công trình ở nhiều địa phương đã giúp chúng ta thoát ra khỏi giai đoạn hạ tầng thiếu thốn. Chủ trương đó, thực tiễn đã chứng minh là đúng. Nhưng phải tính toán để đừng bị lợi dụng, không minh bạch” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Trần Hồng Hà cũng phân tích thêm: “Giải phóng mặt bằng làm một con đường rất tốn kém, nhưng khi làm đường xong thì địa tô lên, trong luật đã quy định chúng ta giải phóng mặt bằng ở những nơi con đường đi qua và cả các vùng xung quanh, chúng ta lấy chênh lệch địa tô đó chia sẻ cho hai bên. Không để những người trục lợi đến mua những nhà giá rẻ tự nhiên lại được hưởng đất vàng. Khâu quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tính toán đền bù… đều phải lưu ý điều này".

Cũng trong phần trả lời VnMedia về Đề án xây dựng lại Ga Hà Nội, Bộ trưởng cho biết, nếu được hỏi ý kiến, khi xem xét Bộ sẽ quan tâm đến các sơ sở cụ thể như vấn đề sử dụng đất theo quy hoạch. “Hiện nay tôi chưa thấy quy hoạch chỗ ấy làm cái gì khác ngoài Ga Hàng Cỏ. Ở góc độ giao thông, môi trường... chúng tôi cũng quan tâm. Nhưng phải xem vì quy hoạch hiện nay chưa có” - Bộ trưởng nói.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc