Xét nghiệm phân, phát hiện gần 1/3 số trẻ có vi khuẩn kháng kháng sinh

14:01, 21/09/2017
|

(VnMedia) - TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tiến hành xét nghiệm phân cho kết quả 30% số trẻ phát hiện có vi khuẩn kháng kháng sinh. Điều này cho thấy một tình trạng đáng báo động về tình trạng lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho trẻ nhỏ.

Sáng 21/9, bên lề Hội nghị sơ kết giai đoạn I thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc do 4 Bộ gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã trao đổi với báo chí về thực trạng kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ.

- Thưa TS, ông có thể chia sẻ về thực trạng kháng thuốc ở viện Nhi Trung ương?

Bệnh viện Nhi TƯ là một bệnh viện lớn, mỗi ngày có khoảng 3.000 đến 4.000 em bé đến khám, trong đó điều trị nội trú khoảng 1.700 em. Trong số đó, hầu hết là những bệnh nhân rất nặng, với hơn 100 ca phải thở máy, hơn 200 ca thở bình oxy, khoảng 80 bé phải đặt tĩnh mạch trung tâm. Ngoài ra, hầu hết các bé đến viện Nhi TƯ đều sử dụng 1 trong những dụng cụ, thiết bị y tế. Do đặc tính bệnh nhân nặng như vậy, lại được chuyển đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau nên tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao. Đây là một vấn đề cần phải có chiến lược cụ thể.

Đáng lưu ý, trong một nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhi nhập viện, chúng tôi cấy phân và phát hiện có đến 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc. Đây là tình trạng cảnh báo.

- Vậy nguyên nhân của tình trạng nhiễm vi khuẩn kháng thuốc là gì, thưa TS?

Chúng ta cần phải tìm hiểu căn nguyên, lý do vì còn các vấn đề về môi trường, ăn uống, thức ăn… Có rất nhiều vấn đề liên quan đến kháng sinh. Ví dụ như các em bé được các ông bố bà mẹ có thể trực tiếp đi mua thuốc, đặc biệt là kháng sinh điều trị không hợp lý. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến các bé bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc.

Ngoài ra, do bệnh viện Nhi Trung ương nhận bệnh nhân đến từ nhiều bệnh viện khác nhau, trong đó có những bệnh nhân nặng phải thở máy, đặt tĩnh  mạch trung tâm… nên có thể đã bị nhiễm khuẩn từ tuyến dưới rồi. Tuy nhiên, tại bệnh viện Nhi Trung ương cũng có tình trạng có vi khuẩn kháng thuốc ngay tại bệnh viện nên hàng ngày chúng tôi phải xác định các ca nhiễm khuẩn bệnh viện để đưa ra những chiến lược điều trị phù hợp cho những ca bệnh đó.

- Theo TS, có khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhi kháng kháng sinh?

Tình trạng kháng kháng sinh là vấn đề rất khó khăn vất vả cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn. Chúng tôi phải có sự phối hợp với nhau để đưa ra những phác đồ sử dụng kháng sinh hiệu quả nhất cho các bé, ví dụ như sự kết hợp kháng sinh và theo dõi trong quá trình trị bệnh, xác định nồng độ kháng sinh ở trong máu của các em bé thì mới vượt qua được tình trạng kháng kháng sinh.

Trong xu hướng tới đây, để giảm bớt tình trạng có vi khuẩn kháng thuốc và sự lan truyền vi khuẩn kháng thuốc ở trong bệnh viện thì vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn và chiến lược sử dụng kháng sinh hợp lý là hai vấn đề rất quan trọng. Phải phát hiện, sàng lọc, cách ly phù hợp nhân viên y tế cũng như người nhà người bệnh, phải tuân thủ chiến lược phòng ngừa trong tiếp xúc.

Thứ hai là vấn đề kiểm soát kháng sinh rất quan trọng. Phải nâng cao nhận thức của mỗi một bác sĩ trong vấn đề sử dụng kháng sinh hợp lý, việc kê đơn ngoại trú cúng như kê đơn nội trú và chiến lược sử dụng kháng sinh như thế nào cho phù hợp với những đặc điểm của vi khuẩn, vi sinh trong bệnh viện đó, khoa phòng đó.

Bệnh viện Nhi mỗi 6 tháng một lần lại có bảng thông báo về vi khuẩn, vi sinh để đưa ra chiến lược, xây dựng phác đồ cập nhật trong 6 tháng một lần để đảm bảo cho phác đồ hướng dẫn sử dụng kháng sinh phù hợp, đồng thời làm thế nào để tỷ lệ tuân thủ phác đồ đó tăng lên.

- Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc