Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tổ tư vấn kinh tế vừa thành lập

18:33, 29/07/2017
|

(VnMedia) - Sáng 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng vừa được thành lập. Tổ có 15 thành viên do TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia làm Tổ trưởng.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1120/QĐ-TTg thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề phát triển kinh tế.

Theo danh sách thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ (Tổ Tư vấn kinh tế) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia làm Tổ trưởng.

14 thành viên Tổ Tư vấn kinh tế gồm: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ; Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; Tiến sĩ Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Cộng hòa Pháp; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore; Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tổ Tư vấn kinh tế có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Bên cạnh đó, phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế; trên cơ sở đó tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Đồng thời, tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động thất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

Tham gia ý kiến các báo cáo, đề án lớn về kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ Tư vấn kinh tế được chủ động làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, Viện, Trung tâm nghiên cứu; được đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, Viện, Trung tâm nghiên cứu cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin số liệu; được Văn phòng Chính phủ cung cấp thường xuyên các văn bản, tài liệu, thông tin số liệu liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tổ.

Tổ Tư vấn kinh tế được hợp tác với các chuyên gia tư vấn, cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà kinh tế trong nước và quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cán bộ quản lý đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tổ.

Thành viên của Tổ Tư vấn kinh tế được mời tham dự các Hội nghị, cuộc họp, làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nội dung liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tổ.

Thủ tướng làm việc với tổ tư vấn kinh tế
Thủ tướng làm việc với tổ tư vấn kinh tế

Thủ tướng làm việc với tổ tư vấn

Sáng 29/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng dự.

Theo báo cáo tổng hợp các ý kiến, phân tích của Tổ tư vấn do TS Vũ Viết Ngoại trình bày, động lực tăng trưởng thời gian tới không thể dựa vào tăng vốn đầu tư khu vực nhà nước và khai thác tài nguyên. Muốn đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7% thì cần tập trung giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tăng năng suất lao động, cải thiện bên cung để nâng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế phải chạy đua với thời gian. “Nếu không có giải pháp hữu hiệu để hiện thực hóa chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tạo sự chuyển động của cả bộ máy hành chính, sẽ không đạt được những mục tiêu kinh tế chủ yếu của Đại hội XII”, TS. Vũ Viết Ngoạn phát biểu.

Theo các chuyên gia, ngoài các chính sách mang tính dài hạn, hệ thống chính sách trong ngắn hạn và trung hạn cần tính tới 2 nội dung cơ bản. Cụ thể, trọng tâm của hệ thống chính sách là tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước; Cải cách mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện để hiện thức hóa kết quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là yếu tố quyết định. Đổi mới phương thức vận hành, theo đó, bộ máy hành chính hiện đang được lay chuyển bằng “lực kéo” của Thủ tướng như hiện nay cần chuyển động mạnh hơn bằng lực đẩy xã hội.

Trần Du Lịch
Tổ trưởng Tổ tư vấn Vũ Viết Ngoạn (trái) và thành viên Trần Du Lịch tại buổi làm việc

Nhất trí về vai trò của công tác tổ chức thực hiện, PGS. TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ góp ý cần xây dựng bảng theo dõi thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương, là công cụ để “cân đo đong đếm” việc thực thi chính sách, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế (tiết kiệm – đầu tư và cán cân thanh toán; cân đối ngân sách; cân đối tiền tệ) đều đã tiệm cận giới hạn. Ông  cho rằng để phát triển cần tái cơ cấu kinh tế. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là năng suất, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM... cần có năng suất lao động cao.

Theo TS. Trần Du Lịch, liều thuốc nhanh cho tăng trưởng mà ít tác dụng phụ là tăng tổng cầu, còn về lâu dài cần gỡ vướng về thể chế.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận nhiều giải pháp mà Tổ tư vấn đề xuất tương đồng với những giải pháp mà Chính phủ đang điều hành, cho thấy các giải pháp này đang đi đúng hướng.

Phó Thủ tướng mong muốn Tổ tư vấn nghiên cứu, làm rõ thêm một số vấn đề như tăng trưởng hợp lý trong thời gian tới, tiềm năng tăng trưởng đã tới hạn hay chưa, giải pháp nào để liên kết khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì vai trò của nhà nước đến đâu, vai trò của thị trường như thế nào? Cách tính tăng trưởng hiện nay đã tính được hết các yếu tố như các hộ kinh tế cá thể hay chưa?

Bày tỏ nhất trí với ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận các góp ý của Tổ tư vấn có tư duy đổi mới, khoa học. Thủ tướng bày tỏ vui mừng được lắng nghe các ý kiến, phân tích toàn diện của các nhà tư vấn.

Thủ tướng cho rằng, trong đánh giá nền kinh tế, nên nhìn một cách đầy đủ, toàn diện, có mặt sáng, có mặt hạn chế.

“Khi phát hiện bất cập, biết cách làm thì đất nước sẽ chuyển mình, không phụ lòng tin của nhân dân”, Thủ tướng nói và giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, đề xuất các chủ trương, giải pháp đối với Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.

Thủ tướng ghi nhận các giải pháp về thúc đẩy tăng trưởng bởi không tăng trưởng thì không giải quyết được vấn đề nợ công, việc làm; nhất trí việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, từ đó tạo môi trường đầu tư tốt hơn, nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Cải cách bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả khâu tổ chức triển khai thực hiện.

Thủ tướng tin tưởng hệ thống tư vấn này sẽ là kênh quan trọng trong việc xây dựng các chủ trương, biện pháp trong chỉ đạo, điều hành, nhất là về kinh tế.

Nhấn mạnh hành động của nhà quản lý phải có cơ sở khoa học mới thành công, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các nhà  tư vấn.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc