(VnMedia) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh thành phố ven biển có tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP kiểm tra, rà soát các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đảm bảo đáp ứng các quy định pháp luật có liên quan.
Đồng thời tổ chức kiểm tra chất lượng các tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, kịp thời phát hiện các trường hợp tàu cá không đảm bảo chất lượng. Đối với các trường hợp tàu cá không đảm bảo chất lượng do lỗi của cơ sở đóng tàu, vận động, hướng dẫn các cơ sở đóng tàu chủ động, tích cực làm việc với chủ tàu để khắc phục ngay.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tàu cá, về hoạt động đăng kiểm tàu cá. Kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các bất cập, thiếu sót.
Tăng cường nâng cao năng lực, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ đăng kiểm viên tàu cá. Rà soát lại hoạt động đăng kiểm tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP trong thời gian vừa qua, trường hợp phát hiện vi phạm, xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Chủ động phối hợp với UBND các tỉnh liên quan kiểm tra chất lượng các tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã được đăng kiểm, đảm bảo không xảy ra tình trạng tàu cá đã được đăng kiểm nhưng không đủ chất lượng để ra khơi.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu việc gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu vỏ thép phải nằm bờ, không hoạt động thủy sản được do hư hỏng; đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá là một trong 05 chính sách của Nghị định 67 đã được ngư dân vui mừng đón nhận và sự đồng thuận của toàn xã hội. Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, các Bộ ngành liên quan đã khẩn trương hướng dẫn thực hiện. Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, đa số các tàu cá đóng mới, nâng cấp của ngư dân sau khi đi vào hoạt động đều đạt hiệu quả khá, góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác hải sản xa bờ, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Tuy nhiên, một số tàu cá vỏ thép đóng mới sau một thời gian đi vào sử dụng đã bộc lộ một số khiếm khuyết về vỏ tàu, máy tàu, thiết kế... như một số tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định, Phú Yên đã được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây. Cá biệt, mới đây báo chí đưa tin, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tự soạn “kịch bản” yêu cầu ngư dân ký sẽ xóa nợ 650 triệu đồng được cho là tiền ngư dân vay công ty để tham gia vốn đối ứng 5%. Ngược lại, ngư dân đồng ý các điều khoản công ty yêu cầu, cắt giảm một số chi phí, hạng mục đặt lên tàu…
Mới đây, Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng đã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển hướng dẫn ngư dân khởi kiện ngay công ty đóng tàu vỏ thép bị hư hỏng nhưng lẩn tránh trách nhiệm
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc