Nguy hiểm trên mạng rình rập trẻ em mà cha mẹ không ngờ tới

09:43, 29/07/2017
|

(VnMedia) - Bị bắt nạt, bị nói xấu, bị dẫn dụ vào các trò chơi nguy hiểm đến tính mạng, bị lạm dụng tình dục,, bị bắt cóc, bị đầu độc chính trị bằng những thông tin giả dối... là những nguy hiểm luôn rình rập những đứa trẻ lang thang trên mạng xã hội nhưng người lớn không dễ để bảo vệ chúng.

Tọa đàm “Bảo vệ Trẻ em an toàn trên môi trường mạng" do Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD), tổ chức NGO Fontana và Trung tâm CNTT - Truyền thông Vietnet ICT phối hợp tổ chức ngày 28/7 cho thấy, mạng xã hội đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và các mối nguy hiểm sâu xa đối với trẻ em.

Nguy hiểm ẩn mình rình rập

Chia sẻ về các rủi ro khi trẻ em tham gia môi trường mạng, chuyên gia IT Ngô Việt Khôi kể lại 2 câu chuyện xảy ra ở Mỹ vào giai đoạn 2012-2013. Theo đó, một cô bé đã chết sau khi tử tự vì bị bắt nạt, bị bạo  hành trên mạng.

Cô bé đó kết bạn với một cậu bé trên mạng, một thời gian sau, vì một mâu thuẫn, cậu bé nói không muốn chơi với cô bé nữa. Nick của cậu bé sau đó do bà mẹ của cậu quản lý. Bà mẹ này đã cùng 2 nhân viên đồng loã với bà tạo ra một nhóm bạn tuổi teen để nói xấu cô bé kia. 3 người lớn đóng giả 3 đứa trẻ bắt nạt một trẻ con khác. Sau 6 tháng chịu đựng mà không biết chia sẻ với ai, cô bé đã kết liễu cuộc sống khi mới 13 tuổi.

Trường hợp thứ hai là một nhóm 2 cô gái chuyển từ bang khác vào một trường trung học. Hai cô gái này dadx bị bắt nạt bởi nhóm “ma cũ”. Một thời gian sau, cô bé ở nhóm “ma cũ” thấy mình đã sai và làm hoà, muốn xin lỗi với hai cô bé “ma mới”, nhưng những cô gái ở nhóm ma cũ không chấp nhận. Họ quay sang nói xấu, bôi nhọ cô gái tốt bụng này trên mạng. Không thể thanh minh được, cũng không có ai để chia sẻ, cô bé đã bị trầm cảm và cuối cùng thì tự tử.

“Với một nước kém phát triển hơn Mỹ như Việt Nam, liệu những câu chyện tương tự có thể gây ra những hậu quả lớn hơn như vậy không?” – chuyên gia IT Ngô Việt Khôi đặt vấn đề và cho biết, tại Mỹ, năm 2013, sau hai vụ việc đau lòng nói trên, họ mới xiết chặt chính sách hỗ trợ trẻ em khi bị bạo hành trên mạng và thành lập những quỹ để tư vấn. Còn Việt Nam hiện tại không có.

“Đừng chờ những ca tương tự xảy ra mới làm" – ông Khôi nhấn mạnh.

Tọa đàm Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Tọa đàm Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - ảnh: Xuân Hưng

Tiếp nối câu chuyện này, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD cũng chia sẻ, ở Việt Nam, những trường hợp tương tự đã xảy ra. “Ngay gần đây có trường hợp nữ sinh tự tử trước khi thi đại học vì bị nói xấu trên mạng; hay trường hợp hai bạn nữ làm kinh doanh online đã suýt tự tử vì tin đồn thất thiệt là hiếp dâm một bạn nam. Trước đó, trò chơi cá voi xanh trên mạng, lúc đầu là vẽ những con cá voi rất dễ thương nhưng đây lại là một tiến trình dẫn dụ các bạn tham gia vào và bị ép vào một trò chơi mà cuối cùng kết quả là tự tử…

Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định, điều đặc biệt đáng lo ngại là các em chỉ mới nhận thức được những tác hại bề nổi như cận thị, mất tập trung trong học tập… mà không nhìn thấy những nguy hiểm sâu xa hơn như bị bắt nạt, các trang web độc hại, nạn khiêu dâm, lạm dụng tình dục, bắt cóc...

“Các em có xu hướng tìm thấy những rủi ro trong đời thực mà chưa quan tâm đến rủi ro này trên môi trường mạng, vì vậy, các em sẵn sàng chia sẻ trên mạng. Người lớn phải nói với trẻ em rằng, những điều không đúng đắn trong đời thực thì cũng không đúng trên môi trường mạng.” - Ông Ysrael C. Diloy, chuyên gia từ Stairway Foundation là người đã thực hiện thành công vận động chính sách để Bộ Giáo dục Phillipine đồng ý đưa chương trình giảng dạy về “An toàn mạng” vào trong các trường học ở Phi-lip-pin chia sẻ.

Chuyên gia IT Ngô Việt Khôi cũng nhấn mạnh, nếu các em không có thái độ ứng xử tốt khi sử dụng mạng internet, mạng xã hội thì bản thân cảm xúc của các em cũng phát triển không lành mạnh, dễ bị cuốn theo trào lưu xấu trên mạng như a dua nói xấu, ném đá...

“Nếu các em không có bản lĩnh, khi va chạm với những trang web có nội dung độc hại, thậm chí là những nội dung nói về những vấn đề chính trị, các em có thể bị đầu độc sớm vì không phân biệt được cái gì đúng sai, cái gì là giả tạo trên mạng" – chuyên gia IT cảnh báo.

Cha mẹ không có kiến thức, làm sao bảo vệ được con?

Nhưng, với tất cả những rủi ro tiềm ẩn đang sẵn sàng “nuốt chửng”, “nhấn chìm” con em chúng ta trên môi trường mạng thì người lớn có thể làm gì để giúp các em? Về vấn đề này, chuyên gia Ngô Việt Khôi cho rằng, xét về kỹ năng sống thì người lớn có nhiều kỹ năng tồn tại hơn trẻ em. Nhưng nếu là kỹ năng tự bảo vệ mình trong cuộc sống số của người Việt thì rất yếu, hay còn có thể nói là “vô minh.”

“Các em được tiếp cận với internet cực kỳ nhanh, sớm, mà thế hệ trước không có gì để truyền lại cho các em. Sự thiết hụt về kiến thức khiến cho thế hệ trên không thể kiểm soát được thế hệ trẻ hơn, và bị con cái “qua mặt" dễ dàng.

“Chúng ta không thể bảo vệ con nếu bản thân không có kiến thức về mạng. Làm sao để con cái thành công dân tốt trong kỷ nguyên số là quá sức của các cha mẹ. Đây là sự thiếu hụt cực kỳ lớn. Việc các em không tự bảo vệ được mình hoặc thiếu kiến thức tự bảo vệ trên mạng không chỉ là mất việc mất thông tin cá nhân, bạo hành trên mạng, không biết cách hành xử khi trở thành công dân trong cuộc cách mạng số như: ném đá,  hùa theo…" - ông Khôi nhấn mạnh.

“Nếu xét về mặt kỹ năng sống thì người lớn có nhiều kỹ năng tồn tại hơn trẻ em. Nhưng, nhìn lại kỹ năng bảo vệ mình trong cuộc sống số thì có thể nói là rất yếu. Hay còn gọi là “vô minh”, không rõ phương hướng và cách thức" - ông Khôi nói.

Các diễn giả tham gia tọa đàm cũng nêu lên một thực tế, bố mẹ thường “nhân danh” làm những điều tốt cho con để bao biện cho việc dùng internet quá nhiều mà không dành thời gian cho con. Điều này vô hình chung sẽ làm trẻ em nghĩ rằng việc dành “quá nhiều” thời gian cho internet là tốt.

Về giải pháp, ông Ysrael C. Diloy nói: “Tôi có một khuyến nghị là, khi chúng ta giảng dạy về An toàn trên mạng ở Việt Nam, khi hỏi về các vấn đề như bị xâm hại trên mạng, bị bắt nạt qua mạng … thì cần sự tham gia của chính trẻ em và có cơ chế nhận phản hồi và xử lý các vấn đề của các em.”

Ở góc độ truyền thông, ông Mai Phan Lợi, (tổ chức truyền thông MEC) thì cho rằng, “truyền thông cũng đang góp phần cổ xuý và thổi bùng lên các vấn đề, đôi khi sử dụng các thông tin xâm hại trẻ em để câu “like” câu “view”, chạy theo lợi nhuận rất nghiêm trọng. Do đó, cần đẩy mạnh vấn đề truyền thông đạo đức cho đội ngũ nhà báo và truyền thông.

Kết thúc buổi toạ đàm, các chuyên gia thống nhất, giải pháp bảo vệ trẻ em an toàn trên mạng không nằm trong tay một ai mà là kết quả của sự chung tay của nhiều bên liên quan.

Bà Nguyễn Phương Linh, giám đốc MSD chia sẻ “Đây là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan. Mỗi ngày qua đi, khi trẻ em tiếp cận với “Internet vạn vật”, chính các em – những người có quyền và những người hỗ trợ thực hiện quyền cho các em, chúng ta - người lớn, cha mẹ và người chăm sóc trẻ, những nhà giáo dục, cộng đồng, truyền thông, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội sẽ cần nâng cao nhận thức được những rủi ro của môi trường mạng và biết cách hỗ trợ các em trở thành những “Công dân số” thông minh, biết lựa chọn. 

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc