(VnMedia) - Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến Đề án quản lý xe cá nhân, theo đó đến năm 2030 sẽ cấm hoàn toàn xe máy trong khu vực nội đô. Nhiều người cho rằng như vậy là quá vội vàng, còn Thành phố thì cho rằng, đã có đủ cơ sở để thực hiện đề án này.
Lấy mục tiêu làm điều kiện khả thi
Theo báo cáo giải trình của Thành phố đối với HĐND Thành phố, đánh giá về khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2030, UBND Thành phố cho biết, trong Đề án “nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” đã đưa ra chỉ tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng, cụ thể: Tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng đến năm 2020 từ 18-20% (trong đó xe buýt và BRT là 17%, đường sắt đô thị là 1-3%), đến năm 2025 từ 23-25% (trong đó xe buýt và BRT là 20%, đường sắt đô thị là 1-3%). Đến năm 2030, Thành phố sẽ hoàn thiện 10 tuyến đường sắt đô thị.
“Với sự chuẩn bị như vậy, chúng ta có đủ điều kiện để dừng hoạt động xe máy trong khu vực các Quận” - UBND thành phố Hà Nội khẳng định.
Còn đánh giá về tác động ảnh hưởng kinh tế, báo cáo giải trình của UBND Thành phố cho rằng, việc tăng cường đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng sẽ cần nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, UBND Thành phố đã có các phương án để huy động các nguồn lực đầu tư từ xã hội theo hình thức hợp tác công tư PPP.
Ngoài ra, UBND Thành phố cho rằng, người dân khi sử dụng hệ thống vận tải hành khách công cộng sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí so với sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, đồng thời rủi ro khi tham gia giao thông sẽ giảm, sức khỏe và tính mạng của người dân sẽ được an toàn hơn. Việc dừng hoạt động của xe máy trên các Quận sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho xã hội.
Ảnh hưởng kinh tế không lớn bằng lợi ích?
Cũng liên quan đến tác động kinh tế, theo phân tích của Thành phố, khi Đề án thực hiện sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết người dân sử dụng xe máy để đi lại, học tập, làm việc, đặc biệt đối với những người sử dụng phương tiện xe máy để kiếm sống như xe ôm, chở hàng… trong khu vực các Quận khi dừng hoạt động xe máy. Ngoài ra, quy định này cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe máy.
Tuy nhiên, đổi lại, người dân sẽ được hưởng dịch vụ chất lượng cao, thuận tiện cũng như được hỗ trợ khi sử dụng các loại hình vận tải hành khách công cộng (người dân sẽ được trợ giá khi đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng), không phải chi phí mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện giao thông cá nhân.
“Như vậy, việc thực hiện các giải pháp của Đề án sẽ mang lại những lợi ích thiết thực về kinh tế – xã hội cũng như môi trường sống cho nhân dân. Ảnh hưởng kinh tế đối với người dân và doanh nghiệp sẽ không lớn bằng thiệt hại do ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường tác động đến đời sống, kinh tế – xã hội và sự phát triển bền vững của Thành phố trong tương lai nếu như không thực hiện các giải pháp” - báo cáo giải trình của Thành phố nhấn mạnh.
Tăng chi phí để giảm lượng ô tô lưu hành
Về quy định chủ sở hữu xe ô tô lắp đặt thiết bị phụ trợ để phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông; chủ xe cơ giới đường bộ phải mở tài khoản để thực hiện thu phí tự động, UBND thành phố khẳng định “biện pháp này hoàn toàn có tính khả thi”.
Theo UBND Thành phố, qua nghiên cứu kinh nghiệm của các thành phố trong khu vực và trên thế giới như Singapore, Bắc Kinh, London, Berlin, các thành phố tại Mỹ… và đặc biệt là TP Hồ Chí Minh đang triển khai nghiên cứu Đề án thu phí vào nội đô cho thấy, nguồn kinh phí đầu tư không lớn.
Tại Hà Nội, hiện đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đăng ký tham gia. Các doanh nghiệp đầu tư sẽ thu được nguồn thu từ việc cho thuê thiết bị và từ nguồn thu phí hàng năm hoặc theo hình thức hợp tác công ty PPP để triển khai biện pháp này. Đây cũng là hợp phần trong dự án xây dựng Thành phố thông minh của Hà Nội.
“Đây là một biện pháp đảm bảo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cũng là một biện pháp kinh tế để tăng chi phí mua, góp phần giảm số lượng ô tô đưa vào lưu hành” - báo cáo giải trình nhấn mạnh và cho biết thêm, đây là một trong 7 biện pháp của Đề án sẽ đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
"Khi biện pháp được chấp thuận thông qua, việc triển khai sẽ kết hợp với công tác tuyên truyền vận động về mục đích ý nghĩa của biện pháp thì sẽ hoàn toàn khả thi, có cơ sở pháp lý và có tính thực tế cao." - báo cáo giải trình nhấn mạnh.
Trước đó, liên quan đến vấn đề kinh phí, HĐND Thành phố đã yêu cầu UBND Thành phố báo cáo giải trình, thuyết minh làm rõ hơn bởi Đề án mới chỉ xác định nguồn vốn và danh mục dự án đầu tư cần triển khai theo lộ trình mà chưa xác định số lượng kinh phí cụ thể, nên cần rà soát, bổ sung chương trình mục tiêu, xác định cụ thể kinh phí từ nguồn ngân sách và thu hút vốn xã hội hóa, hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện, báo cáo HĐND Thành phố quyết định.
HĐND Thành phố cũng yêu cầu Thành phố báo cáo giải trình làm rõ hơn thực trạng và các giải pháp phát triển các loại hình vận tải công cộng và khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân theo lộ trình đến năm 2030 và những tác động ảnh hưởng kinh tế của biện pháp này.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc