(VnMedia) - "Để khống chế bội chi và đảm bảo an toàn nợ công thì phải chi theo khả năng của nền kinh tế và vay theo khả năng trả nợ." - đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh.
Sáng nay (12/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu giải trình về các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu lên một thực tế, đó là nhiều năm qua, quyết toán ngân sách chưa phản ánh đúng số thu ngân sách, làm sai lệch tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu và bội chi ngân sách.
Nguyên nhân được đại biểu Hàm chỉ ra là do quyết toán hoàn thuế giá trị gia tăng theo dự toán chứ không theo số thực tế phải hoàn, do không thể dự toán chính xác tuyệt đối số hoàn thuế.
Vì vậy, đại biểu Hàm đề nghị Chính phủ cần đổi mới công tác quyết toán thu theo 2 cách. Cách thứ nhất là kịp thời trình Quốc hội điều chỉnh dự toán hoàn thuế theo đúng thực tế để quyết toán chính xác số thu ngân sách.
Cách thứ hai là chỉ đưa vào thu ngân sách số thu ngân sách nhà nước thực sự được hưởng là số thu sau khi đã trừ hoàn thuế, số hoàn thuế và số thu tương ứng để hoàn thuế thực hiện ngoài cân đối, không đưa vào quyết toán.
Đại biểu Hàm cũng nêu lên một thực tế, nhiều năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu nhưng thu ngân sách luôn luôn vượt dự toán. Thực trạng này thể hiện thu ngân sách nhà nước có những nguồn thu không vững chắc, không phải từ nội lực phát triển sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế mà do Chính phủ đã dùng các biện pháp tình thế để hoàn thành kế hoạch thu như khai thác thêm tài nguyên dầu thô, đôn đốc để tăng thêm các khoản thu từ đất, thoái vốn nhà nước, thu nợ đọng thuế...
Ông Hàm lấy ví dụ: Năm 2015 khai thác thêm so với kế hoạch 2,12 triệu tấn dầu thô, tiền thu sử dụng đất tăng thêm 76,9%, tức là 29.000 tỷ đồng. Năm 2016 khai thác thêm 1,38 triệu tấn dầu, thu về đất tăng 97,5% tương đương 48.000 tỷ đồng.
“Đây là vấn đề Chính phủ cần cân nhắc kỹ vì cân đối ngân sách bền vững thì nguồn thu phải bền vững, để khống chế bội chi và đảm bảo an toàn nợ công thì phải chi theo khả năng của nền kinh tế và vay theo khả năng trả nợ. Hay nói một cách khác là bội chi và vay phải được đảm bảo bằng các nguồn thu vững chắc, phù hợp với tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, đất đai, tài nguyên, dầu thô là "của để dành" có giới hạn và cần giữ mức khai thác hợp lý, nhất là khi không được giá” - đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu rõ.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng cho biết, về tỷ lệ ngân sách, những vấn đề nổi cộm như chuyển nguồn lớn, ứng trước và thu hồi vốn đối ứng không đúng quy định.. vẫn diễn ra.
Trong khi đó, kết quả thanh tra, kiểm toán tại các đơn vị đều tăng thu ngân sách ở các mức độ khác nhau, vẫn còn các khoản chi sai chế độ, sai nguồn kinh phí, đặc biệt là lập phân bổ, giao dự toán và quyết toán vốn ODA bất cập, kéo dài, yếu kém, Quốc hội đã có ý kiến nhiều lần nhưng chưa được khắc phục.
Cho rằng thực trạng là do xử lý chưa nghiêm các vi phạm, đại biểu Hàm đề nghị Chính phủ tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm.
“Đề nghị Chính phủ cân nhắc cần có một nghị quyết để triển khai nghị quyết của Quốc hội và giao cho một cơ quan làm đầu mối theo dõi, đôn đốc và có báo cáo cụ thể, chi tiết và rõ mức độ sai phạm mà xử lý vi phạm” - đại biểu Hàm nói.
Về cân đối ngân sách an toàn nợ công, ông Hàm nêu lên một thực trạng, đó là bội chi năm nào cũng vượt ngưỡng và tỷ lệ nợ công luôn luôn vượt kỳ vọng đặt ra lúc lập kế hoạch và hiện đã áp sát trần.
Ghi nhận Chính phủ đã có những bước đi quyết liệt để thay đổi tình hình nợ công và bội chi ngân sách, tuy nhiên, đại biểu Hàm cho rằng, việc tăng nợ trong nước, giảm nợ nước ngoài và kéo dài thời hạn vay trái phiếu hoặc vay đảo nợ... chỉ giảm được áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Trong khi đó, quy mô nợ, số nợ phải trả vẫn đang tăng nhanh, đồng thời tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thoát mô hình tăng trưởng cũ.
“Tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng dựa vào vốn và tài nguyên nên sẽ không bền vững và tích lũy của nền kinh tế ít, nguồn thu ngân sách sẽ bị bó hẹp cho trung hạn. Vì vậy, rất khó để kiểm soát bội chi và an toàn nợ công, khó đưa nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình” - đại biểu Hoàng Quang Hàm cảnh báo.
Theo ông Hàm, kinh tế phát triển thì thu nhiều, chi nhiều. Kinh tế phát triển không được như kỳ vọng, nguồn thu để trả nợ và thực hiện các nhiệm vụ chi giảm sút thì phải giảm vay để từ đó giảm chi.
“Vay để phát triển là cần thiết, nhưng phải vay trong khả năng trả nợ, phân tích các chỉ tiêu liên quan đến khả năng trả nợ những năm gần đây cho thấy các chỉ tiêu này biến động nhanh theo chiều hướng xấu” - đại biểu Hàm Quang Hàm nhấn mạnh.
Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng GDP khoảng 3 lần, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách nhà nước tăng nhanh, có thời điểm đã vượt trần 25%, năm 2013 là 21,7%, nhưng đến năm 2014 - 2015 tăng lên lần lượt là 28,2%, 29,2%.
Vay đảo nợ tăng nhanh, nếu năm 2013 là 47.000 tỷ thì năm 2015 đã tăng lên 125.000 tỷ. Dự toán năm 2017 là 156,5 ngàn tỷ. Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP giảm nhanh qua các năm, trong khi tỷ lệ chi lại tăng nhanh.
Theo đại biểu Hàm, Chính phủ cần tăng thu, tiết kiệm chi, phải ưu tiên giảm bội chi, giảm vay và thực hiện ngay khi quyết toán ngân sách năm 2016. Các năm sau khi phấn đấu GDP ở mức cao thì điều hành ngân sách cần phải có dự phòng rủi ro tài khóa.
“Các bộ, ngành địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách cũng nên dần đổi mới tư duy để chấp nhận cắt giảm chi khi ngân sách khó khăn, bội chi vượt ngưỡng, nợ công có thể vượt trần" - đại biểu Hàm nói.
Chính sách miễn giảm quá nhanh gây giảm thu GDP
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, trong thời gian vừa qua, do điều kiện kinh tế khó khăn nên Chính phủ đã sử dụng chính sách tài khóa rất linh hoạt, trong đó tập trung vào điều chỉnh chính sách thu để đảm bảo khuyến khích phát triển sản xuất trong nước. Nhưng do các chính sách miễn giảm quá nhanh, ví dụ như điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu… đã khiến cho giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1% GDP.
“Tôi đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ không nên ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước.”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tình trạng trốn thuế, khai man thuế.
“Trước kia doanh nghiệp kê khai, cán bộ thuế kiểm tra ký rồi mới nộp thuế, nhưng bây giờ tự tính, tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Đây là một phương thức quản lý mới và rất phù hợp với thông lệ, nhưng đồng thời phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát. Gần như kiểm tra doanh nghiệp nào về thuế cũng có vi phạm hết, lớn thì vi phạm lớn, bé thì vi phạm bé” - ông Dũng thông tin.
Về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng cho biết, dự toán rất khó sát với thực tế mặc dù ngày càng sát với thực tế hơn.
Cho rằng sau khi thông qua dự toán về ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương hàng năm, cam kết với địa phương rồi nên khó cắt giảm, Bộ trưởng cho rằng cần phải đi vào các giải pháp sâu hơn và căn cơ hơn, đó là tập trung tiết kiệm chi.
“Các đồng chí đại biểu nói rất đúng. Nhiều định mức, nhiều chính sách hiện nay rất lỗi thời, cần phải sửa, cần đẩy mạnh việc khoán chi, các loại khoán chi và đặc biệt chi thường xuyên là phải đẩy mạnh khoán” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, cùng với đó là sắp xếp lại tổ chức bổ máy và tinh giản biên chế. “Bây giờ có cắt cái gì thì vẫn cắt, nhưng biên chế cứ phình ra, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được” - người đứng đầu Bộ Tài chính nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, cần có sự phối hợp, có sự chỉ đạo đồng bộ, các cấp, các ngành cùng phải thực hiện, cùng phải triển khai hiệu quả thì ngân sách nhà nước mới từng bước đưa về tình hình lành mạnh hơn hiện nay".
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc