Quốc hội dành 3 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ

10:00, 12/06/2017
|

(VnMedia) - Bắt đầu từ ngày mai (13/6), Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn kỳ này là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Theo chương trình, người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu kỳ này là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các vấn đề sẽ được đưa ra chất vấn bao gồm: giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững. Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi tới các đại biểu Quốc hội, sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chủ trương cơ cấu lại đã được ngành nông nghiệp tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và đang tạo được chuyển biến tích cực; góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của ngành và của cả nước.

Tốc độ tăng GDP đạt bình quân 2,46%/năm; giá trị sản xuất tăng 2,73%/năm. Năm 2016, mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và sự cố ô nhiễm môi trường biển nhưng GDP vẫn tăng 1,36%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, giai đoạn 2013-2016 đạt 120,7 tỷ USD, trung bình mỗi năm tăng 1,0 tỷ USD.

Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, thu nhập và đời sống của nông dân được tăng lên (thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng từ 18,6 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 29,2 triệu đồng năm 2016).

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đang bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc.

Cụ thể, quá trình cơ cấu lại diễn ra chậm, kết quả chưa đạt so với mục tiêu và yêu cầu; tăng trưởng ngành chưa vững chắc; Năng suất chất lượng một số loại nông sản còn thấp, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp; Thị trường tiêu thụ diễn biến khó lường; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế.

Cùng với đó, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp; sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ chưa trở thành chủ đạo...

Đặc biệt, thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo còn cao…

Một trong những nguyên nhân chính được Bộ trưởng chỉ ra, đó là Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, môi trường cạnh tranh gay gắt, nhưng công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại chưa thực sự được hiệu quả, trong khi tiềm năng sản xuất trong nước còn rất lớn.

Cùng với đó, nhiều vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai, chính sách thu hút đầu tư xã hội, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại... chưa được tháo gỡ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bộ trưởng đã nêu ra 3 nhóm giải pháp chính sẽ thực hiện trong thời gian tới, đó là nhóm giải pháp tổ chức lại sản xuất, nhóm giải pháp về phát triển thị trường và nhóm giải pháp về phát triển bền vững.

Đáng chú ý, nhóm giải pháp tổ chức lại sản xuất bao gồm tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, sản phẩm, đánh giá nhu cầu thị trường (cả trong nước và quốc tế); điều chỉnh lại quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp.

Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín; hỗ trợ và khuyến khích hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân hoặc các tổ chức đại diện của nông dân (Hợp tác xã, tổ hợp tác) để gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp và hàng hóa nông sản; kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng sử dụng chất cấm, trộn tạp chất hoặc hàng có dư lượng hóa chất độc hại vượt ngưỡng.

Phát triển mạnh công nghệ chế biến, nhất là chế biến tinh, chế biến sâu; thực hiện các biện pháp giảm tổn thất trong các khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản...

Về nhóm giải pháp về phát triển thị trường, sẽ phát triển các kênh phân phối bán buôn, bán lẻ để phát triển mạnh thị trường nội địa; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các địa phương phải tổ chức quản lý lại hệ thống thương mại quy củ hơn, nhất là lực lượng thương lái để họ thực sự là cánh tay nối dài của các tổ nhóm, hợp tác xã hoặc của doanh nghiệp; khuyến khích thương lái hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản để đem lại giá trị cao và bền vững hơn.

Về phát triển thị trường xuất khẩu, sẽ tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường. Cập nhật các thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các thị trường nhập khẩu; phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản thương mại, kỹ thuật để hỗ trợ tốt nhất cho xuất khẩu nông sản...

Nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường, trong nghiên cứu và dự báo cung cầu, qui mô và đặc điểm của từng loại thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế.

Giải pháp để phát triển bền vững về kinh tế bao gồm tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, đất rừng và mặt nước nuôi trồng thủy sản; sử dụng tiết kiệm, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất; canh tác đúng kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất, bảo vệ môi trường sinh thái.

Bảo vệ và phát triển rừng theo hướng là một ngành kinh tế, bảo đảm thu nhập và làm giàu cho người làm nghề rừng.

Về phát triển các mô hình đồng quản lý nghề cá; quy định các biện pháp quản lý hiệu quả, bền vững nguồn lợi vùng biển ven bờ; nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; Giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của rừng…          `

Theo chương trình Kỳ họp, sau khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển. Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công. Trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Đối với Bộ trưởng Bộ Y tế, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ chất vấn về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh. Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Các đại biểu cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội. Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội. Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.

Tại các phiên chất vấn, ngoài các Bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Y tế và Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch có trách nhiệm trả lời chính đối với các nhóm vấn đề thì các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ cùng tham gia trả lời chất vấn. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tham dự phiên chất vấn để giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 13-15/6/2017.

Cũng theo chương trình của Quốc hội, từ 16h05 đến 16h45 ngày 15/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu ý kiến và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội (nếu có).

Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài truyền hình Việt Nam (VTV1), Kênh truyền hình Quốc hội và Cổng thông tin điện tử Quốc hội (http://www.quochoi.vn) để đồng bào, cử tri cả nước theo dõi, giám sát.

PV


Ý kiến bạn đọc