Bất thường trong việc bán nhà công sản ở Đà Nẵng

06:18, 24/04/2017
|

Cho đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa thu hồi được số tiền thất thoát lên tới hơn 3.000 tỷ đồng trong kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố hồi tháng 1/2013.

Tháng 1/2013, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về sai phạm của Thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực đất đai như là việc giao đất không qua đấu giá; giá đất bán cho doanh nghiệp thấp hơn giá quy định gây thất thu cho ngân sách trên 3.400 tỷ đồng.

Theo bản tin thời sự lúc 19h trên VTV1,  không chỉ riêng ở lĩnh vực giao đất dự án thiếu minh bạch, trong thời gian qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương bán nhiều khu đất và nhà công sản có vị trí đắc địa cho các cá nhân, doanh nghiệp không qua đấu giá; giảm 10 - 20% giá trị hợp đồng gây thất thoát số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Đà Nẵng thu hồi số tiền thất thoát này nhưng đến giờ, tức là sau 5 năm, Đà Nẵng vẫn chưa làm được việc này.

Nhiều khu nhà và đất vàng ở Đà Nẵng thuộc sở hữu của nhà nước giờ đã về tay cá nhân và doanh nghiệp. Năm 2010, UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định bán không qua đấu giá nhà công sản 57 Lê Duẩn, có diện tích hơn 1.770 m2 cho Công ty Công nghệ phẩm với giá là 62 tỷ đồng. Nếu thanh toán tiền trong vòng 30 ngày sẽ miễn giảm 10%, tương đương hơn 6,2 tỷ đồng. Dù không thanh toán tiền đúng như hợp đồng nhưng doanh nghiệp này vẫn được miễn giảm 6,2 tỷ đồng. Đây là một sai phạm rất rõ ràng.

Ông Lê Doãn Lâm, Phó Giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng cho biết: “Trên thực tế, công ty Công nghệ phẩm mua lại và đơn vị được giảm 10%. Sự việc xảy ra rồi, đã nộp tiền rồi, nhưng kiểm toán cũng đang đề nghị truy thu lại số tiền này.”

Đà Nẵng

UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định bán không qua đấu giá nhà công sản 57 Lê Duẩn

Không chỉ mảnh đất 57 Lê Duẩn, Công ty Công nghệ phẩm còn tiếp tục được mua những mảnh đất công sản có giá trị tại Đà Nẵng, sau đó đã chuyển nhượng cho các đơn vị khác. Số tiền chênh lệch từ chuyển nhượng là cái lợi đem về cho công ty này. Không riêng Công ty Công nghệ phẩm, một số công ty khác ở Đà Nẵng cũng được mua đất công sản không qua đấu thầu.

Khách sạn Novotel trước đây là trụ sở làm việc của tòa án thành phố và khách sạn sông Hàn. Năm 2007, chính quyền Đà Nẵng đã bán hơn 1.700 m2 khách sạn sông Hàn cho Công ty Xây dựng 79 với giá 45 tỷ đồng nhưng chỉ thu được 35 tỷ đồng.

Đà Nẵng
Khách sạn Novotel trước đây là trụ sở làm việc của tòa án thành phố

Công ty Xây dựng 79 tiếp tục mua trụ sở làm việc tòa án không qua đấu giá tại số 38 Bạch Đằng. Tổng diện tích 2 khu đất này là hơn 3.700 m2 nhưng chỉ thu về ngân sách khoảng 60 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Công ty Xây dựng 79 chuyển nhượng dự án này cho một công ty khác là Mặt trời sông Hàn) với giá 113 tỷ đồng.

“Việc xác định giá nhà công sản để tham mưu cho UBND Thành phố thuộc về cơ quan xây dựng, đồng thời cơ quan xây dựng cũng là đơn vị tham mưu việc xử lý bán và bán như thế nào ” ông Lê Bá Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng thông tin.

Việc mua bán không qua đấu giá đặt ra những câu hỏi về giá trị thật của những mảnh đất công sản ngay trung tâm của Đà Nẵng được bán trong thời gian qua.

Đến giờ này, sau 5 năm, Đà Nẵng vẫn chưa thu hồi được số tiền thất thoát lên tới hơn 3.000 tỷ đồng trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Theo thống kê của Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng, từ năm 2006 đến nay, đã có 98 doanh nghiệp mua nhà và đất công sản, tổng diện tích gần 70.000 m2. Ngân sách thu về hơn 1.000 tỷ đồng, số miễn giảm cho doanh nghiệp là trên 100 tỷ đồng.

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố vào tháng 1/2013, giai đoạn 2003 - 2011, thành phố Đà Nẵng đã thu hồi, giao đất, cho thuê đất đối với 1.061 công trình, dự án với diện tích 17.534 ha, tổng số tiền sử dụng đất thu được hơn 25.271 tỷ đồng. Nhưng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất... không tuân thủ quy định của pháp luật đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá thị trường theo quy định; một số dự án xác định giá thấp hơn bảng giá đất thành phố ban hành hàng năm, một số dự án khác UBND thành phố quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn giá của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố trình, gây thất thu ngân sách, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính với số tiền lớn.

Điển hình, nhờ chuyển nhượng đất cho các đối tác khác, Công ty TNHH Phúc Thiên Long thu lợi gần 500 tỷ đồng; bà Phạm Thị Đông mua khu đất hơn 34.000 m2 với giá 88 tỷ đồng nhưng sau đó qua tay một số người thì bán lại được hơn 600 tỷ đồng; Ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc bỏ túi gần 500 tỷ đồng nhờ mua khu đất 84 tỷ đồng ở cuối đường Phạm Văn Đồng...

Theo Thanh tra Chính phủ, số tiền phải thu khi chuyển quyền sử dụng đất của 22 dự án vi phạm lên tới hơn 2.120 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có một số khu đất Hội đồng xác định giá thiếu căn cứ, cơ sở, không phù hợp với quy định cần có biện pháp xác định lại giá thu tiền sử dụng đất để truy thu về ngân sách nhà nước.

Việc UBND TP Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất cho các hộ được bố trí đất tái định cư, tổ chức cá nhân được giao đất, nhận chuyển nhượng nhượng quyền sử dụng đất là không đúng, gây thất thu ngân sách hơn 446 tỷ đồng (đối với các hộ tái định cư) và hơn 867 tỷ đồng (đối với các tổ chức, cá nhân khác).

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức và cá nhân có liên quan (thời kỳ 2003 - 2011) vì gây thất thu ngân sách hơn 3.434 tỷ đồng;

Sau khi nghe Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra sai phạm đất đai tại Đà Nẵng gây thất thu ngân sách hơn 3.400 tỷ đồng, lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ có giải trình bằng văn bản gửi Bộ Chính trị. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cũng đã ký văn bản khẳng định, không có chuyện thất thoát ngân sách hơn 3.400 tỷ đồng và "thời điểm đưa ra kết luận thanh tra là bất thường".

Bộ Tư pháp sau đó có văn bản khẳng định các kết luận được Thanh tra Chính phủ nêu ra là có cơ sở pháp lý.

Tổng hợp


Ý kiến bạn đọc