(VnMedia) - "Thầy thuốc giỏi chuyên môn chưa đủ, phải có kiến thức, hiểu biết tâm lý người bệnh, gia đình người bệnh; Có kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong bệnh viện" - Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói tại hội nghị về an ninh trật tự bệnh viện...
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện bảo vệ nhân viên y tế” do Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế tổ chức.
Cả bác sĩ, bệnh nhân đều là nạn nhân
Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, trong thời gian qua, tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã xảy ra nhiều vụ việc người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế, làm mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện; ảnh hưởng đến tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế.
Điển hình một số vụ việc xảy ra như người nhà người bệnh đuổi đánh bác sỹ, điều dưỡng đang thực hiện khám, chữa bệnh cho người bệnh, trong đó có điều dưỡng đang mang thai tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai, côn đồ hành hung người đang cấp cứu ở Bệnh viện Xanh-Pôn, Thanh Nhàn và đỉnh điểm là vụ người nhà đâm chết bác sĩ tại Bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình; vụ việc xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh; Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau; Bệnh viện huyện Năm Căn, Cà Mau; Bệnh viện Kinh Bắc, Bắc Ninh…
Theo PGS Lương Ngọc Khuê, đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ, chiếm tới 70% và điều dưỡng chiếm 15% số vụ việc. 90% số vụ việc xảy ra tại trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%) và 30% số vụ việc là xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh.
Đơn cử như vụ việc xảy ra tại Bệnh viên Bạch Mai “Người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ ngay trong phòng cấp cứu”; Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa quận 7, TP. HCM; vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh khi các y - bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực bị nhiều người thân của bệnh nhân lao vào đánh và đập vỡ máy sốc tim cùng toàn bộ kính phòng điều trị của khoa này...
Đặc biệt, có những vụ việc đối tượng bị hại là người bệnh, người nhà người bệnh như vụ việc bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa quận 7, TP. HCM ngày 09/1/2014 ; hay vụ việc người nhà bị đánh tại Bệnh viện ITO - Sài Gòn, năm 2016.
Chia sẻ tại Hội nghị, lãnh đạo bệnh viện Thanh Nhàn - một bệnh viện có vị trí tiếp giáp với các phường Thanh Nhàn, Quỳnh Mai, Quỳnh Lôi - là những địa bàn phức tạp về tệ nạn xã hội, cho biết, trong năm 2016, tại bệnh viện đã xảy ra 8 vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gây rối trật tự, đe dọa nhân viên y tế; 2 vụ trộm cắp tài sản của người bệnh; 1 vụ đánh nhau ngoài bệnh viện rồi tiếp tục kéo vào bệnh viện để trả thù nhau; 1 vụ bệnh nhân thắt cổ tự tử.
Đáng chú ý, chỉ 3 tháng đầu năm nay, tại Bệnh viện Thanh Nhàn liên tiếp xảy ra 7 vụ trộm cắp, 3 vụ xô xát, gây rối trong bệnh viện, 1 vụ bệnh nhân nhảy từ tầng 9 xuống tầng 1…
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chỉ tính riêng từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2017, lực lượng Bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện và bắt quả tang 23 vụ phạm pháp hình sự với 23 đối tượng, chuyển Công an phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) giải quyết. Cùng đó Bệnh viện này cũng đã bắt 35 đối tượng lang thang chuyển Công an phường xử lý, bắt 12 vụ nhặt rác thải y tế, bắt 4 vụ cò môi giới khám bệnh.
Chia sẻ tại Hội nghị, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cũng khẳng định, theo đánh giá của lực lượng Công an thì an ninh bệnh viện đang trở thành vấn đề cần quan tâm, theo dõi. Phổ biến nhất là tình trạng trộm cắp, móc túi, cò mồi, bảo kê tranh giành trước cổng các bệnh viện gây mất an ninh trật tự. Tình hình hành hung bác sĩ, nhân viên y tế vẫn gặp khá nhiều.
Đáng chú ý, theo Đại tá Phạm Văn Tám, gần đây, còn gia tăng tình trạng một số bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân sử dụng ma túy, rượu bia, có các hành vi gây nguy hiểm cho y bác sĩ, nhân viên y tế. Ngoài ra, có tình trạng người nhà bệnh nhân phản đối khi bệnh nhân tử vong tại bệnh viện hay các băng nhóm giang hồ truy sát nhau tại các bệnh viện…
Thầy thuốc không chỉ giỏi chuyên môn
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự tại các bệnh viện, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho rằng, pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế ở nơi xảy ra các sự việc. Cùng với đó là nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh, chưa thực sự đầy đủ.
Đặc biệt, sự manh động của một số đối tượng và một của sự xuống cấp trong đạo đức xã hội của một số nhóm đối tượng đã dẫn tới những hành vi tiêu cực đối với người cán bộ y tế. Một số đối tượng cũng lợi dụng các tình huống sự cố y khoa không mong muốn để thực hiện các hành vi phạm pháp (như đe dọa, tống tiền,…) để trục lợi.
Các ý kiến tham gia tại Hội nghị cũng thừa nhận, việc thiếu chuyên nghiệp trong ứng xử cũng như y đức của một số nhân viên y tế xuống cấp cũng làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc.
"Thầy thuốc giỏi chuyên môn chưa đủ, phải có kiến thức, kỹ năng xã hội, hiểu biết tâm lý người bệnh, gia đình người bệnh, cộng đồng để ứng xử phù hợp. Các bác sĩ, nhân viên cần được đào tạo kỹ hơn về pháp lý y khoa; năng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh và người nhà bệnh nhân. Có kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong bệnh viện" - Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc