(VnMedia) - "Do không có cán bộ chuyên trách, cán bộ thanh tra thiếu chuyên môn nên còn tình trạng tâm lý sợ sại, ngại va chạm khi thi hành nhiệm vụ của cán bộ cấp quận, cấp phường…" - Phó Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin.
Báo cáo của Bộ Y tế về việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm được triển khai tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ 15/11/2015 đến 15/11/2016 (mỗi TP thí điểm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường) cho biết, số cơ sở bị phạt tiền và số tiền phạt đều tăng trên 200%.
Cụ thể, kiểm tra 3.536 cơ sở, các đoàn thanh tra đã kiểm tra, xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt là trên 1,16 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2015, chỉ có 156 cơ sở bị phạt, với số tiền phạt chỉ trên 483 triệu đồng. Như vậy, khi thành lập thanh tra chuyên ngành, số cơ sở bị phạt tăng trên 237% và số tiền bị phạt tăng trên 240%.
Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian thí điểm thanh tra chuyên ngành, số cơ sở bị xử phạt là 923 cơ sở (tăng 269%) và số tiền bị phạt là gần 2,2 tỷ đồng (tăng 212%).
Trong thời gian thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, Hà Nội không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, còn tại TP. Hồ Chí Minh xảy ra một vụ với 26 người mắc và không có người tử vong (năm 2015 xảy ra 3 vụ).
“Việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đã giúp cho việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm, số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và thuỷ sản nâng hạng xếp loại tăng lên so với cùng kỳ năm 2015” - ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết tại Hội nghị Tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, cấp phường của TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, trước khi có thí điểm thanh tra chuyên ngành thì việc thanh tra kiểm tra do cấp phường, xã thực hiện chủ yếu là nhắc nhở, điều này đã khiến cho ý thức thực hiện về an toàn thực phẩm đã tăng hơn. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng chỉ ra nhiều cán bộ thanh tra không dám phạt vì “sợ phạt sai”.
“Bên cạnh kết quả đạt được, các địa phương thí điểm còn khó khăn về nhân lực thực hiện, không có cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm, đặc biệt là cấp xã, phường; thiếu cán bộ có chuyên môn về an toàn thực phẩm, nghiệp vụ thanh tra mới được tiếp cận, còn tình trạng tâm lý sợ sại, ngại va chạm khi thi hành nhiệm vụ của cán bộ cấp quận, cấp phường” - ông Tuấn thông tin.
Ông Phó Cục trưởng cũng cho biết, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã/phường chủ yếu là các cơ sở nhỏ, lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho việc triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm hành chính.
Trong khi đó, đại diện Hà Nội cho biết, “tâm lý làng xóm, họ hàng” cũng làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính.
Đề nghị tiếp tục thực hiện việc thanh tra chuyên ngành, mở rộng tại 100% số quận, huyện, thị xã và phường tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đồng thời mở rộng thí điểm tại Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đề nghị đại điện các địa phương, bộ ngành làm rõ việc thanh tra nên tập trung vào vấn đề gì.
“Ví dụ như làm sao để giảm ngộ độc rượu, giảm những tác nhân gây ung thư chứ không nên như đi dẹp vỉa hè, để tình trạng một tay cầm bát phở, một tay cầm ghế bỏ chạy thì không giải quyết vấn đề gì.” – ông Cường nói.
Ông Cường cũng nhấn mạnh cần làm rõ lý do tiếp tục mở rộng việc thanh tra chuyêh ngành an toàn thực phẩm để không lãng phí nguồn lực.
Đồng quan điểm này, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cũng cho rằng, nếu "rồng rắn cả đoàn" đi thanh tra chuyên ngành mà chỉ kiểm tra xem đủ giấy phép chưa thì không ổn, bởi còn có nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, vệ sinh giết mổ...
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc