Quận Hoàn Kiếm: 12 tuyến phố "cấm trắng" phương tiện đỗ vỉa hè

05:32, 29/03/2017
|

(VnMedia) - Quận Hoàn Kiếm hiện có 12 tuyến phố “cấm trắng” việc đỗ ô tô, xe máy trên vỉa hè. Các tuyến phố khác hiện đang trong giai đoạn rà soát, sắp xếp để vừa có chỗ cho người đi bộ, vừa thuận tiện công việc kinh doanh của các hộ dân.

Quận Hoàn Kiếm có 12 tuyến phố
Quận Hoàn Kiếm có 12 tuyến phố "cấm trắng" các phương tiện đỗ trên vỉa hè - ảnh: Tuệ Khanh

Những ngày gần đây, trên khắp các quận nội thành Hà Nội đang diễn ra chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, một quận rất “nóng” về vấn đề vỉa hè.

- Hà Nội đang thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận trong chiến dịch đòi lại vỉa hè, đặc biệt trong đó là quận Hoàn Kiếm, một quận trung tâm với nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch. Xin ông cho biết Quận đang thực hiện việc này như thế nào?

Hiện tại, Quận Hoàn Kiếm đã tiến hành phân loại và rà soát các tuyến phố phụ thuộc vào 2 vấn đề, một là kích thước vỉa hè và hai là các hoạt động diễn ra trên phố.

Thực hiện theo quyết định 17 của Thành phố Hà Nội, từ năm 2013 quận đã yêu cầu xếp xe vào sát tường nhà dân trên toàn bộ các tuyến phố. Tuy nhiên, với đặc điểm của quận Hoàn Kiếm là vỉa hè chật hẹp, trên  hè có cây trồng sát mép hè nên Quận đã tiến hành khảo sát cùng Công an Thành phố và sở Giao thông Vận tải.

Theo đó, những tuyến có vỉa hè rộng, chủ yếu tập trung vào các tuyến phố trong khu phố cũ phía Nam, khu phố Pháp có vỉa hè rộng thì xếp xe vào sát tường nhà dân, những tuyến trong khu phố cổ thì xếp xe sát hè đường. Việc này là nhằm phù hợp với kích thước của cây trồng trên vỉa hè (khoảng 1,5-2m), vừa kích thước chiều dài xe, và cũng tạo sự thông thoáng cho người đi bộ áp sát cửa hàng kinh doanh.

Trên địa bàn quận có 12 tuyến phố cấm trắng, không cho phép để bất cứ phương tiện nào. Đó là các tuyến Phố Huế, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Hàng Khay, Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Hàng Ngang, hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Giầy.

Trên địa bàn quận cũng có 20 tuyến phố văn minh đô thị và 5 khu vực trọng điểm là Nhà Hát Lớn, Trụ sở cơ quan Thành uỷ, UBND TP, Ga Hà Nội, Chợ Đồng Xuân và Nhà Thờ Lớn hay Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đây là những khu vực quận phải đảm bảo trật tự, không cho phép để xe.

- Với những tuyến phố có vỉa hè rất nhỏ, việc cho để xe đã bịt kín cả chỗ của người đi bộ. Vậy, thời gian tới, quận sẽ sắp xếp như thế nào?

Trước mắt, chúng tôi vẫn bố trí cho người dân để xe sát hè. Kể cả những phố vỉa hè nhỏ thì riêng quận Hoàn Kiếm xin phép Thành phố cho người dân để xe. Tuy nhiên, hiện nay Quận cũng đang tiến hành làm một số khu vực để xe tập trung, tương lai là cấm để xe ở những tuyến phố có vỉa hè nhỏ như vậy.

vỉa hè
Những vỉa hè hẹp, các phương tiện được bố trí sát mép đường để thuận tiện cho người đi bộ và việc kinh doanh buôn bán của người dân - ảnh: Tuệ Khanh

- Hiện có một số ý kiến cho rằng, ngay cả những tuyến phố cho phép để xe ở vỉa hè thì vẫn phải thống nhất quan điểm “sử dụng 1cm của công cũng phải trả tiền”. Quan điểm của quận Hoàn Kiếm về vấn đề này như thế nào?

- Hiện nay, các điểm trông giữ phương tiện trên vỉa hè thì Quận đều thu phí, ô tô là 80.000đ/m2/tháng, xe máy là 45.000đ. Trừ rất ít khu vực dân sinh, còn quận Hoàn Kiếm đa số là đã cấp phép có thu tiền, với 232 điểm trông giữ phương tiện.

- Một vấn đề rất “nóng” là phá bỏ các bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè. Việc này, Quận Hoàn Kiếm đang làm như thế nào, thưa ông?

Giai đoạn một, chúng tôi đang tập trung sửa lại những bậc tam cấp lấn vỉa hè, ảnh hưởng đến người đi bộ, những khu vực lợi dụng bậc tam cấp để kinh doanh. Trước hết, tập trung ở những tuyến phố có vỉa hè hẹp. Giai đoạn hai, chúng tôi sẽ kiểm tra tiếp đối với những khu vực bị lấn chiếm khác.

- Còn với các trụ điện lớn trên vỉa hè hiện đang ảnh hưởng rất lớn đến việc tham gia giao thông của người đi bộ, Quận có dự định gì không?

Với những tủ điện này, trước mắt chúng tôi đang cho sửa sang, thu nhỏ và hạ thấp, sơn lại cho thẩm mỹ hơn, ví dụ như một số trụ điện ở phố Đinh Tiên Hoàng đã được thu nhỏ và sơn màu xanh. Về lâu dài sẽ phải có kế hoạch phù hợp hơn và hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu.

- Trên địa bàn Quận có những hộ kinh doanh vỉa hè từ rất lâu, với những món ăn nổi tiếng từng được đăng trên các báo quốc tế, như quán bánh cuốn bà An ở Hàng Bồ. Hiện nay, do việc lấy lại vỉa hè nên các quán hàng này đang phải đóng cửa khiến du khách mất đi một địa chỉ ăn vặt thú vị. Vậy Quận sẽ sắp xếp các trường hợp này như thế nào?

Về việc sắp xếp các hộ kinh doanh, trong thời gian qua có những cửa hàng kinh doanh nằm trên vỉa hè mà không có cửa hàng thì Quận yêu cầu tạm thời là không được kinh doanh mà phải chấp hành nghiêm theo quy định, nhất là khu vực phố cổ vỉa hè chật hẹp, đặc biệt là các hàng có đun nấu trên vỉa hè rất mất an toàn cho người đi bộ.

Quận cũng vận động họ đi tìm thuê cửa hàng, địa điểm để kinh doanh trở lại và thời gian vừa qua, đã có một số cửa hàng tự đi tìm chỗ và tự kinh doanh trở lại rồi. Ví dụ như hàng Bún Mọc góc phố Bảo Khánh rất nổi tiếng, nay đã thuê cửa hàng gần đó.

Đây là giai đoạn họ tự sắp xếp lại, Quận cũng đã giao cho các Phường nắm tình hình thực tế, nếu cần sự hỗ trợ hay cần sự giới thiệu thì quận sẵn sàng chia sẻ, cung cấp thông tin.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Tuệ Khanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc