(VnMedia) - Sáng ngày 24/3, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra rà soát chuyên đề về tình hình xây dựng các văn bản chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của 11 bộ, cơ quan.
Đó là các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công Thương, Công an, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác Mai Tiến Dũng cho biết, trong công tác xây dựng thể chế, tới đây tại phiên họp Chính phủ, sẽ công khai bộ nào làm tốt, bộ nào không làm tốt.
“Hôm nay rất nhiều bộ có văn bản nợ đọng nhưng không cử lãnh đạo bộ dự họp. Cho thấy một điều, sự quan tâm của lãnh đạo bộ tới công tác xây dựng thể chế rất hạn chế, trong khi đây là việc rất quan trọng.”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, còn 10 văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật quá hạn 3 tháng, tức là lẽ ra phải có hiệu lực từ 1/1/2017. Dự báo, ngày 1/7 tới đây, sẽ có 11 văn bản có hiệu lực, nhưng nếu không làm tốt thì lại quá hạn. Vì để ngày 1/7 có hiệu lực, thì ngày 15/5, các văn bản phải được ban hành.
Trong số 10 nghị định nợ đọng, qua kiểm tra, chỉ có 1 nghị định do Bộ Tài chính xây dựng là có nguyên nhân chính đáng (phải chờ ý kiến Trung ương về các vấn đề liên quan). Còn lại, Bộ Tài chính có trách nhiệm trong nợ đọng 5 nghị định, các Bộ: NN&PTNT, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông đều nợ đọng 1 nghị định.
Trước thực tế đó, Thủ tướng chỉ đạo Tổ Công tác tập trung kiểm tra trách nhiệm của các bộ liên quan đến xây dựng thể chế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Tổ trưởng Tổ Công tác đề nghị, các bộ giải trình, báo cáo, cam kết thời gian thực hiện. Lãnh đạo Bộ nào không có mặt, người đi thay phải cam kết, nhưng “không thực hiện được Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm.”
“Chúng ta rất minh bạch điều này. Vì đây là vấn đề rất quan trọng. Chính phủ kiến tạo mà không dựa vào thể chế thì không thể điều hành được” - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, việc kiểm tra nhằm thúc đẩy phối hợp tốt hơn giữa các bộ, kể cả Văn phòng Chính phủ, khâu nào ách tắc thì tháo gỡ. Khi kiểm tra các bộ, nếu Văn phòng Chính phủ có lỗi thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải xin lỗi.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ cũng kiểm tra ngay tại Văn phòng Chính phủ, những trường hợp chậm trễ thì điều chuyển. “Thay người là nhanh nhất, thay người là văn bản nhanh ngay”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng có những văn bản chậm tới 15 tháng “là không thể chấp nhận được”. Các Bộ cần hết sức tập trung khắc phục tình trạng này, với tinh thần “không thể để Chính phủ nợ đọng văn bản”.
Bộ trưởng cam kết VPCP sẽ hết sức đổi mới, phối hợp chặt chẽ với các bộ trong xây dựng thể chế. “Nếu các bộ mời, VPCP sẽ cử cán bộ tham gia ban soạn thảo, nếu không mời, VPCP cũng sẽ cử cán bộ xuống làm việc trong quá trình xây dựng Nghị định. Đây là nhiệm vụ của các vụ thuộc VPCP”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, với các vấn đề còn các ý kiến khác nhau thì “không gì bằng việc VPCP chủ trì, mời các bộ ngành ngồi lại, bàn bạc đi tới thống nhất, trực tiếp sửa vào văn bản và về đưa lại cho Bộ trưởng chủ trì ký nháy, rồi trình Chính phủ ban hành. Còn nếu lại gửi xin ý kiến qua công văn thì không xử lý được”.
“Nếu lại gửi xin ý kiến qua công văn thì không xử lý được. Hôm qua, tôi vừa chủ trì xử lý một vướng mắc về thuế, vấn đề 2 năm không xong nhưng các Bộ ngồi lại thì chỉ 1 tiếng là xong. Tinh thần của Thủ tướng là không bưng bít thông tin, công khai toàn bộ. Trong quá trình làm việc, có gì vướng mắc tại VPCP, các đồng chí thông tin trực tiếp cho tôi, không cần gọi điện, chỉ cần nhắn tin, tôi sẽ xử lý ngay”, Bộ trưởng nêu rõ.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc