Tròn 1 năm bị bắt, chủ Facebook “Chống tham nhũng” chính thức hầu tòa với tội danh "Đưa hối lộ".
Ông Trần Minh Lợi - chủ Facebook "chống tham nhũng (áo vàng) bị truy tố về tội "Đưa hối lộ". |
Sáng 22/3, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án hình sự đối với ông Trần Minh Lợi – chủ Facebook “chống tham nhũng” và 7 bị cáo khác về các tội danh “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Phúc bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”; các bị cáo Trần Minh Lợi, Nguyễn Xuân An, Nguyễn Thị Tý, Trương Thị Lan, Huỳnh Kim Cao Trí, Huỳnh Thị Cao Thương bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”; bị cáo Lãnh Thanh Bình (Công an huyện Đắk Mil) bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.
Theo cáo trạng, đầu năm 2016, Công an huyện Đắk Mil (Đắk Nông) bắt quả tang Hồ Đức Băng, Võ Ngọc Hà, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Ngọc Quý, Lương Văn Thanh và Nguyễn Ngọc Hậu đánh bạc với hình thức xóc đĩa, tang vật thu được hơn 4 triệu đồng. Tham gia bắt đánh bạc, có Trung úy Lãnh Thanh Bình và Trung úy Trần Thanh Hải (công an huyện Đắk Mil).
Chiều ngày 15/1, Công an huyện Đắk Mil ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 6 đối tượng trên để phục vụ công tác điều tra. Biết tin, Huỳnh Thị Cao Thương (vợ Hà), Nguyễn Thị Tý (mẹ Hậu), Trương Thị Lan (vợ Băng) gặp Huỳnh Kim Cao Trí (anh trai Thương) bàn cách xin tại ngoại cho người thân. Do quen biết từ trước, Trí gọi điện cho Lãnh Thanh Bình (Công an huyện Đắk Mil) thì Bình cho biết mình có tham gia bắt vụ đánh bạc, sau đó giao lại cho đội điều tra, không có thẩm quyền giải quyết nhưng hướng dẫn viết đơn xin tại ngoại.
Vụ án Trần Minh Lợi được dư luận đặc biệt quan tâm, khi đưa ra xét xử rất nhiều người đến theo dõi. |
Sau đó, Lan nhờ Nguyễn Xuân An (em con dì của Băng) làm đơn xin bảo lãnh cho Băng, đồng thời cho biết, muốn bảo lãnh thì phải đưa 20 triệu đồng. An đã gọi điện cho Lãnh Thanh Bình (bạn học cấp 3) để hỏi và được trả lời "liên hệ với người nhà của những bị cáo khác mà làm". Lúc này, thông qua mạng xã hội facebook, An biết ông Trần Minh Lợi (SN 1968, ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) thiết lập trang cá nhân phòng chống tham nhũng nên nói với ông Lợi về việc "muốn tại ngoại phải đưa 20 triệu đồng/người".
Trong quá trình làm việc với CQĐT, Lãnh Thanh Bình khai rằng, Lợi đã ép buộc mình phải đưa 500 triệu đồng nếu không sẽ tố cáo. Bình đưa được 220 triệu đồng thì không còn khả năng nên đã báo cáo việc nhận tiền và tố cáo Lợi về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, quá trình điều tra không đủ chứng cứ chứng minh hành vi này của Lợi.
Ông Trần Minh Lợi (áo vàng) bị truy tố về tội "Đưa hối lộ". |
Cũng theo cáo trạng, trong một vụ án, Trần Minh Lợi còn đưa hối lộ cho cán bộ Phòng giao dịch Đại Lộc thuộc Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT tỉnh Đắk Lắk và ghi âm, ghi hình để khống chế. Theo thỏa thuận ban đầu, Lợi phải thế chấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa làm xong để vay 1,8 tỉ đồng. Do muốn vay vốn lãi suất thấp, Lợi thỏa thuận đưa hối lộ cho Nguyễn Văn Phúc (Giám đốc Phòng giao dịch) 150 triệu đồng. Khi ngân hàng giải ngân đợt đầu số tiền 1,5 tỉ đồng, Lợi đưa cho Phúc 30 triệu đồng và Nguyễn Đức Trọng (Tổ trưởng Tổ Tín dụng) 20 triệu đồng.
Sau đó Lợi dùng các file ghi âm để đe dọa, ép buộc Phúc và Trọng phải giải ngân tiếp 300 triệu đồng còn lại (khi Lợi chưa thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thứ hai theo thỏa thuận ban đầu), đồng thời trả lại cho Lợi số tiền hối lộ đã đưa. Với hành vi này, Trần Minh Lợi bị truy tố về tội đưa hối lộ, Nguyễn Văn Phúc bị truy tố về tội nhận hối lộ.
Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Đức Trọng còn tố cáo Trần Minh Lợi đã dùng các file ghi âm để ép Phúc và Trọng phải đưa 200 triệu đồng thì Lợi mới bỏ qua, nhưng quá trình điều tra không đủ căn cứ để chứng Minh.
Dự kiến phiên tòa sẽ tuyến án vào ngày mai (23/3).
Ông Trần Minh Lợi (SN 1968, trú tại xã Ea B’Hốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Vài năm gần đây, ông Lợi nổi tiếng và được biết đến với chủ trang Facebook “Giệt giặc nội xâm”. Ông Lợi thường xuyên tiếp nhận thông tin tiêu cực của công an, cán bộ, sau đó dùng thiết bị ghi âm, ghi hình lại rồi làm đơn tố cáo.
Theo Báo Giao thông
Ý kiến bạn đọc