BS Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, ngày 7/3 khoa vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kich, được biết trước đó bệnh nhân này có ăn tiết canh lợn.
Theo đó, bệnh nhân có tên N.D.B, 60 tuổi, quê Thái Bình trong tình trạng tím tái, mạch, huyết áp không đo được. Bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu và ăn tiết canh cách ngày nhập viện 3 ngày. Trước khi chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện tỉnh với chẩn đoán, bị sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn và cho đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn diễn biến nặng, ông D. vẫn tím đen toàn thân, tụt huyết áp.
BS Cấp cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân vẫn trong tình trạng tím tái, mạch và huyết áp không đo được. Các bác sĩ phải cấp cứu ngừng tuần hoàn sau 15 phút thì tim đập lại. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi xuất hiện các triệu chứng thì bệnh nhân có ăn tiết canh ngoài quán. Sau khi về, bắt đầu xuất hiện sốt cao liên tục 39.5 độ, kèm theo nôn nhiều và đau đầu, tím tái toàn thân. 3 ngày sau thì xuất hiện các triệu chứng khó thở, tím đen toàn thân, huyết áp tụt…và được gia đình đưa đi cấp cứu.
Theo BS Cấp, người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở 2 thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân…, dẫn đến tử vong rất nhanh.
Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ.
Điều đáng nói, khi bị liên cầu lợn, ban đầu bệnh nhân không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác khiến nhiều người chủ quan và nhập viện khi đã nặng. Do đó, để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống…
Theo Khám Phá
Ý kiến bạn đọc