Cảnh báo bùng phát dịch thủy đậu mùa xuân

20:37, 07/02/2017
|

Ngày 7/2, BS Vũ Mạnh Cường, Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện E cho biết, trong một tháng gần đây, khoa này tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca mắc bệnh thủy đậu, trong đó không có trường hợp bị biến chứng nguy hiểm và tử vong.

Một bệnh nhân người lớn mắc thủy đậu đang được bác sĩ điều trị tại Bệnh viện E. Ảnh: H.G
Một bệnh nhân người lớn mắc thủy đậu đang được bác sĩ điều trị tại Bệnh viện E. Ảnh: H.G

Những ngày vừa qua thời tiết khu vực miền Bắc thay đổi thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch dẫn đến tình trạng bệnh thủy đậu diễn ra phức tạp, số ca mắc bệnh đang ra tăng nhanh. Đáng nói, không chỉ trẻ em mà đã có nhiều ca bệnh là người lớn.

Mới đây nhất, vào ngày 6/2, bệnh nhân V.T.T.H, 30 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhập viện trong tình trạng sốt cao, nổi mụn nước mặt và lan ra toàn thân. Bệnh nhân được yêu cầu nhập viện điều trị và theo dõi biến chứng. Khai thác tiền sử của bệnh nhân được biết, bệnh nhân bị mắc thủy đậu từ ngày 5/2. Con bệnh nhân 2 tuổi cũng bị mắc thủy đậu do bị lây từ các bạn học mầm non và đã được điều trị khỏi 31/1.

Trước đó, ngày 4/2, bệnh nhân N.M.H, 23 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng nhập viện do thủy đậu. Cách đó ba ngày, bệnh nhân này đã tiếp xúc với cháu bé 4 tuổi cũng bị mắc thủy đậu nhưng đang trong thời gian khỏi bệnh. Điều đáng nói, hai bệnh nhân người lớn này chưa từng tiêm chủng vaccine phòng bệnh thủy đậu.

Theo BS Vũ Mạnh Cường, thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân. Đến nay, bệnh thủy đậu đang vào mùa, dễ lây lan rộng trong môi trường tập thể. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mặc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.

TS.BS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp – Bệnh viện E, cho biết thủy đậu là bệnh cấp tính do virus varicella zoster gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật.

Khi bệnh khởi phát, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vaccine đều cảm nhiễm với bệnh.

Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng năm ngày sau khi xuất hiện nốt bóng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bóng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bóng nước có thể để lại sẹo.

BS Hiền nhấn mạnh, đây là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bóng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này.

BS Cường khuyến cáo, bệnh thủy có thể ngừa bằng vaccine. Vì vậy, người lớn và trẻ em chưa mắc bệnh nên chích ngừa để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đa số người mắc chưa được tiêm vaccine phòng thủy đậu, tuy nhiên cũng có khoảng 10% trường hợp đã tiêm rồi vẫn mắc bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người cần tiêm đủ hai liều vaccine thủy đậu. Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi. Vaccine có thể tiêm cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn (chưa mắc bệnh thủy đậu).

(theo PLO)


Ý kiến bạn đọc