(VnMedia) - Trước thông tin tuyến xe buýt nhanh chuẩn bị hoạt động thử nghiệm vào ngày 25/12 tới, nhiều người dân Hà Nội tỏ ra rất lo lắng và quan ngại về tính an toàn khi tham gia giao thông.
Nhiều nhà chờ xe buýt nhanh vẫn đang ngổn ngang |
Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã. Tổng đầu tư của dự án là 55 triệu USD (trên 1.100 tỉ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Dự án khởi công đầu năm 2013, ban đầu dự kiến khai thác vào quý II/2015.
Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, cho biết từ ngày 15 đến 31-12, Thành phố (TP) sẽ tổ chức vận hành thí điểm 1 xe buýt nhanh chạy lộ trình trên. Đến ngày 1/1/2017, TP chính thức vận hành 29 xe, bao gồm cả xe dự phòng. Trong giai đoạn chạy thử nghiệm, tần suất hoạt động là 3-5 phút/chuyến, tốc độ vận hành trung bình 22-30 km/giờ, thời gian vận hành một lượt là 45-55 phút.
Tuyến buýt nhanh BRT có 44 điểm dừng (cả 2 chiều) phục vụ đón trả khách. Để tăng cường khả năng kết nối, tạo thuận tiện cho hành khách chuyển tuyến, Sở sẽ điều chỉnh, di chuyển 10 điểm dừng và bổ sung 10 điểm cho 2 chiều vận hành.
Theo kế hoạch của Sở Giao thông vận tải HN, tuyến buýt nhanh từ Giảng Võ đến Kim Mã, từ Yên Nghĩa tới Ba La, xe buýt BRT đi chung với các phương tiện khác. Các nút giao trên tuyến được tổ chức lưu thông bằng hệ thống đèn tín hiệu, điều chỉnh chu kỳ đèn theo nguyên tắc ưu tiên cho buýt nhanh.
Trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương, cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm; xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường.
Tại 2 cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng cũng sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho buýt nhanh. Ngược lại, xe tải, ô tô chở hàng từ 500 kg trở lên bị cấm lưu thông trên 2 cầu vượt; mô tô, xe máy, xe thô sơ chỉ bị cấm vào giờ cao điểm.
Theo quan sát của PV, nhiều ngày nay, các nhà chờ xe buýt đang được rốt ráo hoàn thiện. Trên các tuyến đường dành cho xe buýt nhanh như, đoạn Giảng Võ – Láng Hạ – Lê Văn Lương kéo dài phần làn đường riêng bằng vạch sơn liền kết hợp đinh phản quang đã được hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, việc vận hành xe buýt nhanh đang khiến không ít người lo ngại về tính khả thi, độ an toàn của nó.
Chị Minh (người dân sống trên phố Láng Hạ) cho rằng, lòng đường Láng Hạ vốn dĩ đã hẹp, nay Sở GTVT lại kẻ thêm một làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh chạy sẽ khiến giao thông bất tiện. Thêm vào đó, việc cấm một số phương tiện không được chạy vào làn xe buýt nhanh là bất khả thi bởi ý thức người tham gia giao thông rất kém. Vỉa hè mà xe máy còn trèo lên đi, nói gì đến vạch sơn liền!
Bạn Hùng Anh (sinh viên trường Đại học Luật) chia sẻ với PV, vào giờ tan tầm, các tuyến đường như Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương gần như kẹt cứng. Trong khi nhà chờ xe buýt lại được đặt ở giữa đường. Điều này khiến người già, trẻ nhỏ phải sang đường để vào khu nhà chờ rất bất tiện, mất an toàn. Hơn nữa, nếu giao thông ách tắc, buýt nhanh làm sao mà chạy nhanh được.
Trước thông tin cấm nhiều phương tiện để phục vụ cho tuyến buýt nhanh, anh Hoàng Tuấn Minh lái xe taxi tỏ ra lo lắng: “ Xe buýt nhanh hoạt động sẽ khiến xe taxi bị cấm trên một loạt tuyến đường lớn. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến những người lái xe taxi. Tôi cho rằng, cơ quan quản lý cần tính toán hạn chế phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô riêng chứ xe taxi là phương tiện công cộng”.
Anh Nguyễn Hoài Nam – nhân viên ngân hàng MB Láng Hạ chia sẻ, việc xây dựng hệ thống buýt nhanh tại Hà Nội là không hợp lý. Đường phố Hà Nội vốn đã không được rộng, chỉ có một vài con đường lớn như Giải Phóng, Đại Cồ Việt ... còn các con đường như Hàng Bài, Phố Huế chỉ ở mức trung bình chưa thể coi là lớn nên việc dành làn đường cho xe buýt là không khả thi. Nếu lắp đặt hệ thống xe bus nhanh lại thêm xe bus truyền thống, rồi xe đạp xe máy, đặc biệt là ô tô cá nhân sẽ xảy ra tắc nghẽn thường xuyên vì BRT sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các phương tiện khác và có thể làm cho giao thông thêm hỗn độn.
Anh Đào
Ý kiến bạn đọc