Mỗi năm, đích thân Chủ tịch Hà Nội phải giải quyết 500 vụ khiếu nại

06:52, 16/12/2016
|

(VnMedia) - Nếu thực hiện theo đúng quy định của Luật Khiếu nại thì mỗi năm, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phải trực tiếp đối thoại, giải quyết lần hai khoảng 400-500 vụ việc và điều này trên thực tế là không khả thi...

Chánh thanh tra
Chánh Thanh tra Tp. Hà Nội Văn Tuấn Dũng

Ngày 15/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Ý kiến của các đại biểu cho thấy quá trình thực thi đã xuất hiện nhiều điểm tồn tại, bất cập.

Theo đó, đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật Khiếu nại, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ rõ những bất cập, vướng mắc, trong đó đề cập đến việc khó khăn khi thực hiện quy định yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần hai phải trực tiếp đối thoại.

Các ý kiến của Bộ Công an, Bộ TN&MT, TP Hà Nội, TP HCM, Long An… cùng cho rằng, người giải quyết khiếu nại lần 2 thường là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng nên việc trực tiếp đối thoại là “rất khó khăn và ít được thực hiện”.

Theo Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội Văn Tuấn Dũng, qua tổng kết 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Thành phố Hà Nội đã giải quyết được một khối lượng lớn các vụ việc khiếu nại tố cáo, cụ thể, đã tiếp 133.706 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (trong đó có 1.757 lượt đoàn đông người); đã tiếp nhận, xử lý theo quy định 110.562 đơn các loại…

Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc thực hiện quy định về tổ chức đối thoại, chủ yếu là đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần hai đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc nhất định.

“Ở Thành phố Hà Nội, những năm qua, đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai của Chủ tịch UBND Thành phố trung bình khoảng 400-500 vụ việc/năm, nếu thực hiện đối thoại theo Điều 39 của Luật Khiếu nại thì gặp không ít khó khăn, không khả thi trên thực tế” – ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, việc hạn chế về thời gian của người giải quyết khiếu nại sẽ làm chậm tiến độ giải quyết các vụ việc khiếu nại theo qui định của Luật.

Vì vậy, Chánh Thanh tra TP. Hà Nội đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, cân nhắc để tham mưu sửa đổi quy định về việc tổ chức đối thoại lần hai trong Luật Khiếu nại theo hướng: Đối với những vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành thì người giải quyết khiếu nại lần hai phải tiến hành đối thoại. Còn đối với những vụ việc khác, người giải quyết khiếu nại lần hai được ủy quyền cho cấp phó hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại để tổ chức đối thoại.

“Như thế, sẽ đảm bảo cho việc giải quyết khiếu nại được thực hiện một cách kịp thời và khách quan, công khai, dân chủ, đồng thời không ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị” – ông Dũng nhận xét.

Về bất cập này, ông Nguyễn Văn Kim, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cũng thừa nhận, theo Điều 39 quy định, trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng trên thực tế, khi người giải quyết khiếu nại lần hai là Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng thì việc trực tiếp đối thoại là rất khó khăn và rất ít được thực hiện.

Về khiếu nại lần hai, Điều 33 quy định: “Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai”. Nếu khiếu nại lần đầu đã quá thời hạn mà vẫn không được giải quyết thì công dân có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết lần hai; tuy nhiên hồ sơ khiếu nại trong trường hợp này không có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Theo ông Nguyễn Văn Kim, như vậy, nếu không có quyết định giải quyết lần đầu sẽ không đủ điều kiện thụ lý dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, Luật cũng chưa xác định rõ quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết lần hai đối với khiếu nại lần đầu quá thời hạn thì được coi là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hay lần hai.

Ngoài ra, ông Kim cũng cho biết, Luật Khiếu nại và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định về hình thức mẫu đơn khiếu nại, do vậy rất khó khăn khi hướng dẫn công dân. Bên cạnh đó, tại Điều 8 có quy định về nội dung khi khiếu nại bằng đơn nhưng lại chưa quy định đơn khiếu nại phải do công dân ký tên trực tiếp, do vậy thời gian vừa qua xuất hiện rất nhiều đơn thư được sao chép, phô tô gửi đi nhiều cơ quan, tổ chức.

Báo cáo Tổng kết 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cho thấy, giai đoạn từ 2012 - 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với những giai đoạn trước, trong đó số đơn khiếu nại tố cáo giảm 54,6%; số vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính giảm 39,3%.

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại tố cáo vẫn diễn biến phức tạp và gay gắt ở một số địa phương, nhất là những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng.

Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; khiếu nại đòi lại cơ sở tôn giáo; khiếu nại đòi lại nhà đất trước đây có sử dụng nhưng nay tổ chức, cá nhân khác sử dụng; khiếu nại tranh chấp đất đai trong nhân dân;

Tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tố cáo chủ dự án được giao đất, cho thuê đất không sử dụng đất, để đất đai hoang hoá, lãng phí hoặc bán dự án kiếm lời; có những trường hợp từ việc khiếu nại nhưng không đạt được mục đích đã chuyển sang tố cáo cán bộ, công chức giải quyết…

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc