(VnMedia) - Bộ Nội vụ vừa có công văn hoả tốc gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương về việc cử công chức tham gia đoàn kiểm tra Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) sau khi Hiệp hội này công bố khảo sát chất lượng nước mắm gây nhiều tác động và dư luận xấu.
Xử lý triệt để
Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Công Thương cử 1 công chức lãnh đạo cấp Vụ tham gia đoàn kiểm tra. Liên quan tới việc xử lý những sai phạm tại Vinastas, hồi tháng trước, Bộ Y tế vừa có phản hồi từ chối đề nghị của Bộ Công Thương giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét, xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm của Vinastas trong việc cung cấp thông tin nước mắm.
Trước đó, cuộc khảo sát và công bố kết quả về chất lượng nước mắm, trong đó có chi tiết “độ đạm càng cao thì arsen càng nhiều” đã chứa đựng nhiều thông tin mập mờ, sai lệch, khiến người tiêu dùng hiểu sai và hoang mang, lo lắng.
Kết luận mập mờ của Vinastas đã gây nhiều tác động và dư luận xấu |
"Kết quả khảo sát của Vinastas không minh bạch, như không xây dựng đề án và kế hoạch khảo sát rõ ràng, việc khảo sát chủ yếu do Chủ tịch Hội và một số cá nhân thực hiện, nhiều khâu không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giám sát; quá trình lấy mẫu thiếu tin cậy, không đúng quy định; việc khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ của Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy, không bảo đảm tính độc lập theo quy định", đại diện Bộ Công thương đã nêu rõ.
Cũng theo Bộ Công thương, việc Vinastas công bố thông tin sai về chất lượng nước mắm vừa qua có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm (đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh) và khoản 6 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác). Bộ Công thương cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm của Vinastas theo quy định pháp luật.
Mới đây nhất, ngày 18/12 vừa qua, Vinastas vừa chính thức xin cải chính một số thông tin về kết quả khảo sát nước mắm. Theo đó, Vinastas thừa nhận, trong thông cáo báo chí nhóm khảo sát đã sai khi đồng nhất khái niệm arsen với thạch tín. Trước đó, Vinastas đã có công văn cáo lỗi về việc thông tin kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc chưa thận trọng, chính xác. "Vinastas một lần nữa xin lỗi người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm, các Hội nước mắm, các cơ quan quản lý và các tổ chức liên quan. Vinastas đang nghiêm túc kiểm điểm và sẽ có các hình thức kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan, đồng thời kiện toàn tổ chức, hoàn thiện quy chế làm việc để không xảy ra sai sót trong các hoạt động của Hội sau này", Vinastas cho biết.
Liên quan tới khảo sát nước mắm của Vinastas, 6 Hội và Hiệp hội bao gồm: Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội nước mắm Nha Trang, Hiệp hội nước mắm Cát Hải, Hội Lương thực thực phẩm TPHM và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vừa có kiến nghị gửi lên các bộ ngành về các giải pháp phát triển nước mắm truyền thống.
Tại văn bản này, các Hiệp hội cho rằng việc Vinastas đăng tải văn bản xin lỗi chưa thật sự thấy lỗi quan trọng nhất của mình đó là: nhân danh Hội bảo vệ người tiêu dùng tiếp tay cho một doanh nghiệp để làm hại cho những doanh nghiệp khác.
Các Hiệp hội này cũng cho rằng, văn bản xin lỗi của Vinastas đã không làm rõ danh tính của nhà tài trợ cũng như lý do vì sao chỉ tập trung kiểm tra chỉ tiêu asen mà không tìm kiếm các kim loại nặng khác, tại sao quy chuẩn Việt Nam chỉ nêu ngưỡng độc của asen vô cơ lại đi kiểm tra asen tổng rồi lấy đó làm căn cứ kết luận nước mắm cao đạm có asen tổng vượt ngưỡng quy định của Bộ Y tế. Nhóm các Hiệp hội kiến nghị Chính phủ làm rõ đơn vị chủ trì việc tài trợ cho Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy để tiến hành các hoạt động vừa qua dẫn đến sự cố “nước mắm truyền thống nhiễm asen”...
Cần làm rõ động cơ
Luật sư Phạm Quốc Thanh (Trưởng VPLS Quốc Thái) cho biết, nếu muốn xem xét trách nhiệm của bên tài trợ thì phải tìm hiểu và chứng minh được động cơ tài trợ của họ. Làm rõ vấn đề động cơ tài trợ là trách nhiệm của cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan điều tra hoặc thanh tra của Bộ Công thương. Các cơ quan này có thẩm quyền để tìm hiểu, chứng minh được việc tài trợ này là vô tư hay có nhằm mục đích vụ lợi trong đó. Nếu như họ tài trợ cho Vinastas để tác động vào kết quả của nghiên cứu, khảo sát đó nhằm mục đích vụ lợi thì là vi phạm.
Nếu có đầy đủ cơ sở, chứng cứ cho thấy việc tài trợ bằng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trực tiếp hoặc qua trung gian) để người có chức vụ, quyền hạn làm (hoặc không làm) một việc gì đó vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của bên tài trợ (hoặc một bên thứ ba) thì đó là dấu hiệu hình sự của hành vi đưa và nhận hối lộ.
Người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm (hay không làm) của người có chức vụ, quyền hạn. Lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ; hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè; hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện... Việc đưa hối lộ có thể bằng nhiều hình thức (trực tiếp hoặc qua trung gian), dưới dạng biếu, tặng, tài trợ...
Bắc Sơn
Ý kiến bạn đọc