Tăng lương cho Tổng Kiểm toán để xứng tầm với trách nhiệm

13:54, 22/12/2016
|

(VnMedia) - Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ sáng nay (22/12), Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nêu một số bất cập khi thực hiện chế độ tiền lương với cán bộ công chức, trong đó có bảng lương của Tổng Kiểm toán nhà nước. Cần quy định bậc lương mới để tương xứng với vị thế, trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Theo ông Phớc, bảng lương Tổng Kiểm toán nhà nước hiện nay có hai bậc lương: Bậc 1 (9,70), Bậc 2 (10,30). Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 thì nhiệm vụ và trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước cao hơn, nặng nề hơn so với Luật Kiểm toán nhà nước năm 2006. Tuy nhiên, bậc lương của Tổng Kiểm toán nhà nước hiện nay vẫn chưa được sửa đổi để tương xứng với nhiệm vụ và trách nhiệm được giao.

Ông Phớc cũng cho rằng, Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ đối với kết luận, kiến nghị của ngành về sai phạm của đơn vị được kiểm toán và thực hiện nhiệm vụ của thành viên BCĐ TƯ về phòng chống tham nhũng.

Vì vậy, cần quy định bậc lương mới đối với Tổng Kiểm toán nhà nước để tương xứng với vị thế, trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước đã được Hiến pháp năm 2013 và Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 quy định.

Do đó, Kiểm toán nhà nước đề nghị UBTVQH quy định bảng lương mới cho Tổng Kiểm toán nhà nước có 2 bậc lương: Bậc 1 (9,80), bậc 2 (10,40).

tổng kiểm toán nhà nước
Ảnh minh họa

Thẩm tra báo cáo về việc Kiểm toán nhà nước đề nghị quy định bảng lương mới của Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết có 2 loại ý kiến.

Theo đó, đa số ý kiến cho rằng, Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước do Quốc hội bầu, hiện nay chức danh Tổng Kiểm toán nhà nước chưa được quy định trong bảng lương chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước ban hành theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, với địa vị pháp lý mới của Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về chất lượng, nội dung chuyên môn, nghiệp vụ đối với toàn bộ nhiệm vụ được Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước quy định.

Do đó, đa số ý kiến đồng tình quy định mức lương của Tổng Kiểm toán nhà nước có 2 bậc, mỗi bậc tăng 0,1 như đề nghị của Kiểm toán nhà nước.

Có ý kiến đề nghị, cần tăng mức lương của Tổng Kiểm toán nhà nước lên cao hơn, tương đương mức lương của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC (bậc 1, hệ số lương 10,4; Bậc 2, hệ số lương 11,00), vì cùng là người đứng đầu cơ quan hiến định độc lập, do Quốc hội bầu.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, Kiểm toán nhà nước đã lấy ý kiến của Bộ Nội vụ và Bộ Nội vụ có văn bản cho rằng, mức lương chức vụ của Tổng Kiểm toán nhà nước nên đưa vào đề án tiền lương trình Trung ương xem xét, thông qua (dự kiến vào tháng 5/2018).

Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, theo quy định tại điều 62 của Luật Kiểm toán nhà nước thì việc xác định mức lương của Tổng Kiểm toán nhà nước thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên xem xét và quyết định kịp thời.

Phát biểu tại phiên họp sáng nay, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu đưa vào đề án cải cách tiền lương trình Trung ương xem xét. Còn trước mắt với đề nghị của Kiểm toán nhà nước nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm thời cho thực hiện thì Bộ sẽ chấp hành.

Cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ vấn đề này, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, dù có thẩm quyền ban hành nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương nghiên cứu để khi xây dựng chính sách mới thì xem xét những đặc thù của các ngành, đặc biệt là của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Kết luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, Thường vụ Quốc hội sẽ có ý kiến đề nghị Ban cải cách tiền lương và xem xét trình ra Trung ương vào tháng 5/2018 sẽ quyết định, khi nào có quyết định thì sẽ ban hành nghị quyết.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc