Vụ cháy quán karaoke: Trách nhiệm thuộc về ai?

06:44, 02/11/2016
|

(VnMedia) - Theo luật sư, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định chủ cơ sở kinh doanh karaoke đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các qui định về phòng cháy chữa cháy để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự...

Khoảng 13h30 ngày 1/11, vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu vực số nhà 39-45 đường Trần Thái Tông, Hà Nội. Đây là nơi có nhiều nhà hàng, khách sạn, quán karaoke. Vụ cháy đã khiến mặt tiền nhiều căn nhà cháy rụi. Cảnh sát xác nhận có 13 người tử vong trong vụ cháy.

Khói bốc lên ngùn ngụt từ đám cháy. Ảnh: Zing
Khói bốc lên ngùn ngụt từ đám cháy. Ảnh: Zing

Về vụ việc này, câu hỏi đặt ra ai là người phải chịu trách nhiệm và vụ việc sẽ được xử lý ra sao? Để rộng đường dư luận, VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) để hiểu rõ hơn.

- Luật sư đánh giá như nào về nguyên nhân các vụ cháy quán karaoke thời gian gần đây?

Ngày 25/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke và vũ trường. Trong đó quy định tạm ngừng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường trên cả nước để các cấp, các ngành rà soát, đánh giá hoạt động của cơ sở hiện có, từ đó xây dựng quy hoạch và tăng cường biện pháp quản lý.

Ngày 06/11/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2009/NĐ-CP về việc ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Trong đó điểm đáng lưu ý là việc cấp phép mới cho các hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường sẽ được tiếp tục khôi phục.

Như vậy sau hơn 4 năm tạm ngừng, hoạt động kinh doanh karaoke trên phạm vi cả nước đã phát triển rất nhanh về số lượng cũng như qui mô hoạt động. Dù Nhà nước đã ban hành nhiều quy định rất nghiêm ngặt về điều kiện kinh doanh Karoke như phải đủ điều kiện an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy nhưng một số cơ sở đã không thực hiện đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nên đã xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thiệt hại về con người, tài sản không những của cơ sở kinh doanh và còn đối với rất nhiều khách.

Theo quan điểm của luật sư, về nguyên nhân cháy của các quán karaoke chủ yếu là do chủ cơ sở hoán cải kết cấu nhà, sửa chữa, cải tạo, trang trí lắp đặt nội thất, hệ thống âm thanh, đèn chiếu sáng, hệ thống biển quảng cáo khổ lớn che hết phía trước mặt tiền ngôi nhà để thu hút khách hàng nên khi thợ hàn cắt kim loại không tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy khi làm. Mặt khác, các thiết bị điện đấu nối trong các phòng hát karaoke thường để dùng trong sinh hoạt gia đình nên không phù hợp với kinh doanh. Các vật liệu trang trí nội thất rất dễ cháy và cùng với hệ thống âm thanh, đèn chiếu sáng, điều hòa, ti vi,.. thường hoạt động quá tải nên rất nguy cơ chậm điện gây cháy là rất dễ xảy ra.

Gần đây đã có rất nhiều vụ chập cháy các biển quảng cáo karaoke cỡ lớn được thiết kế lắp đặt kiên cố trước mặt tiền của cơ sở kinh doanh. Đa phần chủ sơ sở tận dụng hết cả mặt tiền ngôi nhà, các biệt nhiều biển quảng cáo chiếm đến hết các tầng từ tầng 2 lên đến tầng 4,5 của ngôi nhà. Hệ thống biển quảng cáo này chính là nguyên nhân gây chập cháy sau đó lan vào phía bên trong gây hậu quả lớn về tài sản và con người.

Điều 34 Luật quảng cáo 2012 về biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh như sau:
“ Kích thước biển hiệu được quy định như sau:

a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;

b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng”

Như vậy, hầu như các chủ cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay đã vi phạm Luật quảng cáo và phải bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ theo Điều 60 Nghị định 158/2013/NĐ-CP

“Vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo vượt diện tích quy định của bảng quảng cáo, băng-rôn tại vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”

Theo quan điểm của luật sư, trong thời gian tới, Chính quyền địa phương và nghành văn hóa cần thiết phải kiểm tra, rà soát các vi phạm về biển quảng cáo tại các cơ sở kinh doanh karaoke thì mới có thể ngăn ngừa nguy cơ chập cháy có thể xảy ra.

- Nếu xác định được nguyên nhân gây cháy, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm và như vậy ai sẽ phải bồi thường thiệt hại về người và tài sản?

Theo thông tin báo chí đưa tin, đám cháy diễn ra ở Trần Thái Tông hiện chưa xác định được nguyên nhân nhưng hậu quả đã làm hơn 10 người tử vong cùng với thiệt hại cháy 4 nhà và nhiều tài sản bị hư hỏng.

Tuy nhiên theo một số người dân chứng kiến sự việc kể lại, nguyên nhân đám cháy có thể do hàn xì cháy biến quảng cáo của quán karaoke sau đó cháy lan sang 3 nhà khác.

Theo quan điểm của luật sư, nếu Cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn là do thợ hàn xì biển quảng cáo quán Karaoke gây cháy thì người thợ trực tiếp hàn xì đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy . Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.

Ngoài trách nhiệm hình sự thì người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo qui định của pháp luật.

Nếu xác định người thợ thi công hàn xì được thuê mướn thì người chủ thi công (nếu có) phải có trách nhiệm liên đới bồi thường dân sự vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản.

- Nếu xác định quán Karaoke bị sự cố chập điện gây cháy nhà và lan sang các nhà khác thì xử lý như nào?

Nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định chủ cơ sở đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các qui định về phòng cháy chữa cháy để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phạm này thì cần phải xác định rõ cụ thể qui định nào mà chủ cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Mặt khác, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra.

Trường hợp chủ cơ sở Karaoke không có Giấy phép kinh doanh, hoặc không có đủ điều kiện ANTT và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi vi phạm hành chính.

Do vậy, trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần phải xác định được nguyên nhân gây cháy do hành vi nào của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới cháy thì mới có thể qui trách nhiệm cho chủ cơ sở.

Ngoài ra, chủ cơ sở để xảy ra cháy lan sang nhà người khác đều phải có trách nhiệm bồi thường dân sự. Chủ cơ sở chỉ không không phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự trong trường hợp bất khả kháng, vụ việc xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết hoặc tình thế cấp thiết (điều 161 Bộ luật dân sự).

Trường hợp chủ cơ sở Karaoke không có Giấy phép kinh doanh, hoặc không có đủ điều kiện ANTT và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi vi phạm hành chính. Chính vì thế trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần phải xác định được nguyên nhân gây cháy do hành vi nào của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới cháy thì mới có thể qui trách nhiệm cho chủ cơ sở.

Điều 240. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy\

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Phương Mai


Ý kiến bạn đọc