Không quên những thầy cô giáo mang con chữ đến nơi khó khăn nhất

07:50, 20/11/2016
|

(VnMedia) - Ngày 19/11, dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) tại trường THCS xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ niềm xúc động khi trò chuyện với các em học sinh, thầy, cô giáo.

Gửi lời chúc đến toàn thể các thầy, cô giáo trên cả nước nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Phó Thủ tướng đặc biệt chia sẻ với các thầy, cô giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn như ở Đắk Plao. Đây là những người đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống kể cả vật chất lẫn tinh thần để mang tri thức tới những vùng đang còn rất gian khó, để các cháu học sinh dù là người dân tộc nào, dù đến từ đâu, cũng được học hành đầy đủ.

Trường THCS Đắk Plao đóng trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn Đăk Plao với hơn 20 cán bộ giáo viên và 169 học sinh. Là ngôi trường xa trung tâm, trong đó học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, thầy cô giáo nhà trường đã khắc phục khó khăn, không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ với tỉ lệ 80% đạt trình độ trên chuẩn, 20% giáo viên đạt chuẩn. Tập thể giáo viên nhà trường đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bám trường bám lớp và dạy dỗ cũng như động viên các em học sinh đến trường.

Phó Thủ tướng chia sẻ: “Điều làm tôi rất xúc động là khi hỏi các thầy, các cô có nguyện vọng gì không thì không có một ai nói về nguyện vọng cá nhân, mặc dù tôi biết rằng các thầy cô còn rất vất vả, khó khăn”.

t
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi, động viên cán bộ giáo viên Trường THCS Đắk Plao. Ảnh:Báo TN&MT

 

Trong câu chuyện với Phó Thủ tướng, những thầy, cô giáo ở Đắk Plao, từ người đã công tác mấy chục năm đến các thầy, cô trẻ mới ra trường, đều chỉ mong rằng các cháu học sinh ở xa có cơm trưa để có thể đến trường học tập. Những cháu có hoàn cảnh gia đình còn nghèo, còn khó khăn thì có đủ gạo, đủ cơm để được đi học. Nhìn các cháu hôm nay được uống sữa từ chương trình Sữa học đường, nhiều thầy cô nói chỉ mong chương trình được kéo dài.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đất nước rất cần những nhà khoa học giỏi để đào tạo ra nhiều thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng để có được điều ấy, chúng ta không quên là cũng cần những người thầy mang con chữ đến những nơi khó khăn nhất, với mong ước giản đơn là để tất cả các cháu, các con đều được học và học giỏi.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tại xã miền núi Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông - xã miền núi đặc biệt khó khăn, là nơi sinh sống của 23 dân tộc anh em.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhân dân xã Quảng Khê đã ôn lại truyền thống đoàn kết của dân tộc, chiến thắng nhiều thiên tai địch họa, giành được độc lập, giữ vững được đất nước, đổi mới để ngày hôm nay dù còn nhiều khó khăn nhưng đất nước đã có bước phát triển rất toàn diện.

"Xã Quảng Khê có thể nói là một điển hình trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ bà con dân tộc đã sống ở đây bao đời đến những bà con dân tộc đến từ khắp các miền trong cả nước, cùng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế-xã hội, dần từng bước thoát khỏi đói nghèo, ổn định về xã hội", Phó Thủ tướng biểu dương.

Thời gian tới, đảng bộ, chính quyền, nhân dân đồng bào các dân tộc xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong cũng như toàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục nỗ lực, sáng tạo và đặc biệt luôn đoàn kết phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, phát huy truyền thống, làm giàu thêm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

"Tôi xin chúc đồng bào, bà con Quảng Khê luôn thật mạnh khỏe, mong sao ‘mưa thuận, gió hoà’ để kinh tế phát triển, người khá rồi thì khá giả hơn, người nghèo thì bớt nghèo và lá lành hơn thì đùm lá rách. Chúng ta cùng nhau phát triển, thi đua cùng các xã khác trong huyện, giữa các huyện trong tỉnh và toàn tỉnh Đắk Nông thi đua với cả nước", Phó Thủ tướng nói.

Tiến Vinh

 

Ý kiến bạn đọc