(VnMedia) - Bạo lực tình dục xảy ra không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm... Số liệu thống kê cho thấy, 73% thủ phạm lạm dụng tình dục là người quen, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng...
Bạo lực tình dục xảy ra không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm |
Ngày 29/11, Hội nghị Quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ Ba với tiêu đề “Nạn nhân hay Tội nhân: Những rào cản văn hoá và thể chế trong việc nhìn nhận và giải quyết bạo lực tình dục tại Việt Nam” đã khai mạc trọng thể tại khách sạn Crowne Plaza, Hà Nội.
Gần 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan chính phủ, các chuyên gia luật pháp, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý chương trình, đại diện lực lượng thực thi pháp luật, các nhà hoạt động xã hội, các nhà giáo dục, đại diện cộng đồng, học sinh, thanh niên và giới truyền thông đã tham dự Hội nghị. Đại diện của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, đại sứ quán nhiều nước và các tổ chức quốc tế cũng đến dự, thể hiện sự quan tâm đến vấn đề và sự hỗ trợ mạnh mẽ của họ đối với hoạt động có ý nghĩa này.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Khuất Thu Hồng, đại diện cho các tổ chức phi chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh: “Bạo lực tình dục là tội ác nghiêm trọng chống lại phụ nữ và trẻ em. Nó chà đạp quyền cơ bản nhất của con người là được sống an toàn và được tôn trọng nhân phẩm.”
Bà Hồng cũng lưu ý: Bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ và trẻ em nào chứ không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm hoặc có cử chỉ hớ hênh như nhiều người vẫn lầm tưởng. Trái với quan điểm cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ, số liệu thống kê cho thấy, 73% thủ phạm là người quen, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng.
Thủ phạm gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật. Ngoài ra, phần lớn các vụ bạo lực tình dục cũng xảy ra ở những địa điểm thường được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân.
Đại diện cho các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNPFA tại Việt Nam khẳng định “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái không phải một căn bệnh mà chúng ta cần phải tìm cách chữa. Vấn nạn này xuất phát từ quan niệm của nam giới và trẻ em trai về phụ nữ và trẻ em gái".
Theo bà Astrid Bant, đã đến lúc toàn thể xã hội phải cùng nhau tấn công lại các định kiến giới và các thái độ ưu ái nam giới phổ biến cho dù chúng đã được dung dưỡng qua nhiều thế hệ.
“Chúng ta phải thay đổi các cấu trúc quyền lực để đảm bảo rằng có sự bình đẳng thực sự giữa phụ nữ và nam giới. Đấu tranh cho bình đẳng giới phải trở thành một vấn đề của nam giới và trẻ em trai” – bà Astrid Bant nói.
Tại Hội nghị, các chuyên gia và các nhà quản lý đều đồng tình rằng thực trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam vẫn chưa được phản ánh đầy đủ và giải quyết hiệu quả. Các tham luận tại Hội nghị chỉ ra rằng, tình trạng nói trên xuất phát từ những rào cản thể chế, văn hoá và xã hội.
Về mặt thể chế, quy trình tố tụng và thực thi pháp luật chưa bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của xã hội nên chưa thực sự giải quyết bạo lực tình dục một cách có hiệu quả. Mặt khác, mặc dù đã có nhiều quy định tiến bộ về pháp luật để phòng ngừa và trừng phạt bạo lực, nhưng trong nhiều trường hợp, sự chậm trễ của cơ quan hành pháp, thái độ bàng quan, dung túng của cán bộ công quyền đã khiến bạo lực và lạm dụng tình dục bị xem nhẹ hoặc rơi vào im lặng.
Ngoài ra, quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm thậm chí còn khiến nhiều nạn nhân dường như bị bạo lực và lạm dụng thêm nhiều lần nữa. Bên cạnh đó, các quy định về thông tin và đạo đức nghề nghiệp chưa được thực hiện và giám sát nghiêm túc khiến không ít tờ báo phơi bày, soi mói và khai thác nhiều chi tiết riêng tư khiến nạn nhân trở thành tội nhân trong dư luận xã hội.
Từ góc độ văn hoá, các ý kiến cho rằng, tư tưởng lạc hậu của một bộ phận người dân khiến nỗi đau bạo lực tình dục vẫn còn nhức nhối. Nạn nhân thường phải tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng và kết nối với nhau để đấu tranh chống lại những vấn nạn đó…
Các thảo luận trong Hội nghị mong muốn bạo lực tình dục phải được nhìn nhận đúng mức hơn và cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa từ tất cả các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.
Trong kết luận về Hội nghị, bà Hoàng Tú Anh, đại diện Ban tổ chức nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ thường nghĩ đến bạo lực như là những hành vi sử dụng sức mạnh, gây ra các tổn thất về thể chất, kinh tế và tinh thần có thể nhìn thấy và đo lường. Cách nhìn hạn hẹp này vẫn còn được sử dụng trong luật pháp. Thực tế, một phần rất lớn các hành vi bạo lực và hậu quả là rất khó nhìn thấy, khó đo lường, thậm chí vô hình và vì thế không được thừa nhận.”
Theo bà Hoàng Tú Anh, sự vô hình và không được thừa nhận này càng nghiêm trọng trong bạo lực tình dục. Nhiều hành vi bạo lực bị ‘vô hình hóa’, nhiều nhóm nạn nhân cũng trở nên ‘vô hình’ thậm chí trở thành ‘tội nhân’ do các định kiến mang tính bất bình đẳng giới, không thừa nhận sự đa dạng trong văn hóa, đạo đức và cả luật pháp”.
Hưởng ứng thông điệp chung tay hành động của bà Astrid Bant, đại diện cơ quan Liên hợp quốc trong diễn văn khai mạc, bà Hoàng Tú Anh kêu gọi “Thay đổi các diễn ngôn về bạo lực bao gồm cả bạo lực tình dục phải là câu chuyện của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Các nhà giáo dục và những người làm truyền thông đóng vai trò then chốt trong thành công của sự thay đổi này. Các nạn nhân của bạo lực cần được trao cơ hội để được lên tiếng và được lắng nghe”.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc