Đại biểu Quốc hội chất vấn về những con số "khác thường"

08:46, 04/11/2016
|

(VnMedia) - Trước những số liệu chênh lệch cao giữa các báo cáo, trong đó có những số liệu cho thấy sự gia tăng đột biến các vụ tai nạn giao thông (TNGT - 3 tháng tăng gấp 3 lần 6 tháng), đại biểu Dương Minh Tuấn đặc câu hỏi: “Trước khi tổng hợp cơ quan chức năng có thẩm định lại số liệu này hay không?”

Thảo luận tại Hội trường chiều 3/11, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận xét, thời gian qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã hết sức cố gắng bằng những giải pháp quyết liệt, kiềm chế sự gia tăng TNGT.

Ngoài ra, theo đại biểu Tuấn, báo cáo của Chính phủ dài 42 trang nhưng thời lượng dành cho an toàn giao thông trong báo cáo chỉ có 6 dòng là quá ít. Đối với Báo cáo 378 của Chính phủ về công tác an toàn giao thông, dài 30 trang, là báo cáo chuyên đề về an toàn giao thông nhưng chưa tìm thấy trang nào phân tích về tình hình TNGT, như nguyên nhân xảy ra tai nạn, đối tượng, phương tiện, tuyến đường, độ tuổi, thời gian, đặc biệt là số liệu TNGT ở các địa phương.

Đặc biệt, đại biểu Tuấn tỏ ra băn khoăn khi không có sự không thống nhất về tỷ lệ giảm TNGT giữa các báo cáo, sự thiếu chuẩn xác trong đối chiếu số liệu.

“So sánh số liệu TNGT cùng mốc thời gian từ ngày 16/12 đến ngày 15/9 năm sau,  báo cáo năm 2016 cho rằng TNGT giảm 1.275 vụ, chúng tôi cộng trừ thực tế với báo cáo năm 2015 chỉ có giảm 1.048 vụ, lệch 227 vụ. Số người chết báo cáo năm 2016 cho rằng giảm 133 người so với cùng kỳ, nhưng chúng tôi cộng chỉ có giảm 78 người, lệch 55 người chết. Số bị thương còn nhiều hơn nữa, lệch 255 người” – đại biểu Tuấn dẫn chứng và nhấn mạnh “Điều quan tâm là vì sao không có sự chuẩn xác trong số liệu, số người chết, số người bị thương có thể thay đổi chứ số vụ TNGT làm gì có thay đổi?”

Đại biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng phát hiện ra, số liệu TNGT ở một số địa phương thay đổi, gia tăng bất thường. Đơn cử như 9 tháng năm 2016, tại tỉnh Bình Dương, mặc dù đã giảm hơn 300 vụ nhưng vẫn xảy ra gần 1400 vụ TNGT. Trong khi đó, toàn thành phố Cần Thơ, kể cả đường bộ, đường thủy trong 9 tháng chỉ xảy ra 53 vụ, tức là số vụ TNGT ở Bình Dương cùng một thời điểm nhưng nhiều hơn Cần Thơ gấp 26 lần. Một điển hình, có địa phương báo cáo 6 tháng xảy ra chưa đến 270 vụ, 3 tháng sau báo cáo 9 tháng trên 1100 vụ.

“Như vậy, số vụ TNGT ở địa phương này 3 tháng xảy ra thêm 900 vụ. 3 tháng mà tăng gấp 3 lần của 6 tháng. Sự chênh lệch, sự tăng đột biến như vậy không biết trước khi tổng hợp cơ quan chức năng có thẩm định lại số liệu này hay không, hay mặc nhiên chấp nhận số liệu từ các tỉnh, thành báo về? Và đã chấp nhận những số liệu khác thường này thì có đánh giá, nhận định tình hình để có giải pháp kịp thời hay không?" – đại biểu Dương Minh Tuấn băn khoăn đặt câu hỏi.

Với những phân tích trên, đại biểu Tuấn đề nghị Chính phủ “khẳng định với Quốc hội số liệu nào là thông tin chính thức” về TNGT năm 2016, đồng thời rà soát, đánh giá, phân tích chuẩn xác tình hình TNGT trong năm qua; Có giải pháp thích hợp làm giảm TNGT, hạn chế tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, giảm số vụ TNGT nghiêm trọng gây thương vong lớn về người và tài sản, đảm bảo an toàn, an tâm cho người tham gia giao thông.

Cũng quan điểm với đại biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhận xét: “Có lẽ do sức nóng của tái cơ cấu, đầu tư trung hạn, thu chi ngân sách, nợ xấu, phòng chống tham nhũng, ô nhiễm môi trường, tinh giản biên chế… làm giảm sự quan tâm, sự bức xúc về TNGT, ùn tắc giao thông".

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng dẫn chứng rằng, dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 do Ủy ban Kinh tế gửi các đại biểu Quốc hội không có một câu từ nào đề cập đến vấn đề an toàn giao thông, trong khi theo thống kê trung bình mỗi ngày có trên 25 người phải ra đi mãi mãi không trở về. Trên 70 người tàn phế suốt đời, thiệt hại vật chất do TNGT gây ra mỗi năm một tăng và lớn hơn tỷ lệ chi ngân sách dành cho phát triển khoa học, công nghệ.

Đại biểu Hồng cũng nhận định, số liệu TNGT là “chưa thực sự đáng tin cậy".

Về giải pháp, đại biểu Hồng cho rằng, những giải pháp của Chính phủ thời gian qua tuy có hiệu quả đã đến giới hạn về khả năng tiếp tục làm giảm TNGT để đạt được mục tiêu là đến năm 2020 giảm số người chết do TNGT gây ra bằng 50% số người chết của năm 2005 theo nghị quyết của Liên hợp quốc đề ra mà Việt Nam tích cực chủ động tham gia.

Vì vậy, ngoài những giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo, đại biểu tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ cần đề ra chính sách để thu hút nguồn lực thực hiện xã hội hóa công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, nhất là trật tự, an toàn giao thông đường bộ, khuyến khích thành lập doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp xã hội để chuyển giao một số nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đại biểu Hồng cũng đề nghị Chính phủ tổng kết nghị quyết 16/2008 về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đánh giá việc thực hiện nghị quyết này, nhất là việc thực hiện chủ trương quy hoạch và di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng dạy nghề, bệnh viện lớn, các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực trung tâm. Đồng thời, kiểm tra việc thu hoạch cấp giấy phép các tòa nhà cao tầng, dẫn đến làm tăng mật độ xây dựng trong khu vực trung tâm tại 2 thành phố.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc