Xử lý thế nào vụ thuê người chặt chân tay để trục lợi bảo hiểm?

09:12, 24/08/2016
|

(VnMedia) - Theo luật sư, hành vi của chị N. đã thuê đối tượng Doãn Văn D chặt chân, tay của mình giả làm tai nạn để nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm là không thể chấp nhận được dưới góc độ con người và pháp luật.

Trước đó, vào đêm 5/5, cảnh sát được tin báo từ một thanh niên về vụ tai nạn tại đường sắt qua khu Hà Đông - Phú Diễn, địa phận quận Bắc Từ Liêm. Nạn nhân tên N. (30 tuổi), bị đứt rời 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái.

Hiện trường vụ giả hiện trường tai nạn giao thông đường sắt. Ảnh: ANTĐ.
Hiện trường vụ giả hiện trường tai nạn giao thông đường sắt. Ảnh: ANTĐ.

Nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 19/8 và đã được bác sĩ nối liền các phần bị đứt. Bốn ngày sau, nạn nhân xin chuyển đến Bệnh viện Việt Đức và bác sĩ tại đây buộc phải tháo bỏ phần thi thể đứt rời do vết thương bị hoại tử...

Theo lời N., chị ta buồn chuyện gia đình nên đi lang thang và bị tàu hút vào. Lúc bị tàu nghiến tay, chân, có thanh niên đi qua, chị Lan đã kêu cứu và may mắn thoát chết.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, cảnh sát xác định chị N. và thanh niên báo tin là Doãn Văn D quen biết nhau từ trước. Sau hơn 3 tháng, cảnh sát làm rõ, vụ tai nạn trên không có thật.

Theo trình bày của thiếu phụ này, chị ta mua ba gói bảo hiểm nhân thọ. Do khó khăn về kinh tế, N. nghĩ ra chiêu tự hại thân thể mình để được thanh toán bảo hiểm. N. đã bàn với D và thuê thanh niên này chặt tay, chân của mình, để được bảo hiểm nhân thọ thanh toán số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Trục lợi bảo hiểm là hành vi lừa dối nhằm kiếm lợi bất hợp pháp của đối tượng tham gia vào quan hệ kinh doanh bảo hiểm. Hành vi này nó luôn tồn tại song song cùng với sự ra đời và phát triển của ngành bảo hiểm không những ở Việt Nam mà còn trên Thế giới.

Hành vi của Chị N đã thuê đối tượng Doãn Văn D chặt chân, tay của mình giả làm tai nạn để nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm là việc xưa nay chưa từng có ở Việt Nam. Chỉ vì lợi ích vật chất mà chị N đã tự hủy hoại sức khỏe bản thân để mong có được số tiền bảo hiểm do mình đã tham gia mua bảo hiểm nhân thọ. Đây là việc làm thiển cận và thiếu suy nghĩ dù có bất cứ lý do hay hoàn cảnh khó khăn như thế nào cũng không thể chấp nhận được dưới góc độ con người và pháp luật.

Do vụ việc xảy ra đã bị cơ quan Công an phát hiện và làm rõ nên chị N đã không thể thực hiện được việc trục lợi số tiền bảo hiểm nhân thọ nên cũng chưa đến mức độ xử lý về mặt hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sư 1999.

Mặt khác, tại Điều 213 Bộ luật hình sư 2015 (chưa có hiệu lực) đã bổ sung thêm Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

Theo qui định của điều luật này, đây là tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có hậu qủa chiếm đoạt đã xảy ra. Chị N đã có hành vi trục lợi bảo hiểm khi thuê người khác hủy hoại sức khỏe mình để trục lợi bảo hiểm nhưng do bị phát hiện ngăn chặn sớm ngay từ ban đầu nên chưa chiếm đoạt được tiền của Công ty bảo hiểm.

Do đó, hành vi của chị N chưa đến mức phải xử lý về mặt hình sự. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính đối với chị N về hành vi “báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 5, Nghị định 167 ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.

Đối với hành vi của đối tượng Doãn Văn D. (SN 1995, nhà ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là người được chị N thuê dùng hung khí gây thương tích cho chị N. Đối tương Doãn Văn D buộc phải nhận thức được hành vi dùng hung khí tác động vào vùng chân, tay của chị N là hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chị N, dù chị N có thuê hay bất cứ động cơ mục đích nào khác thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự 1999.

Kết quả giám định của Cơ quan chuyên môn về tỷ lệ thương tật chị N sẽ là căn cứ xử lý đối tượng theo qui định tại Điều 104 BLHS. Kể cả trong trường hợp tỷ lệ thương tật của chị N dưới 11% thì đối tượng vẫn bị xử lý theo khoản 1 Điều 104 BLHS với tình tiết định khung: Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê.

Điều 104 BLHS 1999. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 213 BLHS 2015. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.


Ý kiến bạn đọc