Nhà báo phải có trách nhiệm với phát ngôn của mình trên mạng xã hội

18:22, 26/04/2016
|

Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá 10 tại TP. HCM vừa bế mạc. Một trong những phương hướng nhiệm vụ quan trọng của Ban chấp hành Hội Nhà báo năm 2016 là việc sửa đổi, hoàn thiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

 

bộ trưởng tuấn
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

 

Bên lề Hội nghị, PV Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT đã có dịp trao đổi với Bộ trưởng Bộ TT&TT, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam Trương Minh Tuấn về một vấn đề nóng hiện nay là: “Nhà báo chịu trách nhiệm như thế nào đối với phát ngôn của mình trên mạng xã hội?”.
 
PV : Thưa Bộ trưởng, theo ông vấn đề phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội có nên đưa vào bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp hay không?
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Quan điểm của tôi là nên xây dựng những nguyên tắc cơ bản và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp liên quan đến việc phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội. Trên cơ sở đó, cơ quan báo chí bổ sung vào quy chế cụ thể đối với phóng viên tùy theo đặc thù của từng cơ quan báo chí, phù hợp với các quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu quản lý, điều hành của cơ quan báo chí.
 
PV: Thưa Bộ trưởng, liệu việc điều chỉnh hành vi sử dụng mạng xã hội đối với nhà báo bằng các nguyên tắc đạo đức có vi phạm những quyền khác của nhà báo hay không?
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn:  Nghề báo là một trong những nghề đặc thù, quyền và nghĩa vụ của nhà báo đã được quy định trong luật. Việc điều chỉnh hành vi đạo đức của nhà báo bằng những khuôn mẫu, tiêu chuẩn đạo đức không mang tính cưỡng chế mà hoàn toàn tự nguyện. Đây là lối ứng xử có văn hóa, văn minh và là việc làm phù hợp với thông lệ quốc tế. Cộng đồng báo chí quốc tế cũng đã, đang xây dựng, bổ sung một mục riêng về đạo đức nghề nghiệp (code of ethics) của nhà báo trong việc sử dụng mạng xã hội, trong đó, đề cao trách nhiệm của nhà báo khi trực tuyến trên các mạng xã hội cũng giống như trách nhiệm của nhà báo trong đời sống xã hội thông thường.
 
PV: Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể vì sao hiện nay cần thiết phải điều chỉnh hành vi phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội?
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Tôi có thể nêu ra vài vấn đề vi phạm đạo đức nghề nghiệp phổ biến hiện nay của một số nhà báo là: Khai thác, sử dụng nguồn tin chưa được kiểm chứng từ mạng xã hội và vi phạm bản quyền; bày tỏ quan điểm không khách quan trên mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của cộng đồng; sử dụng danh nghĩa nghề nghiệp tiếp cận thông tin để đăng tải lên mạng xã hội; lạm dụng cơ quan báo chí với tư cách là nhà báo trên mạng xã hội,…
 
Thực trạng hiện nay là hầu hết cơ quan báo chí xem phóng viên của mình sử dụng mạng xã hội là vấn đề cá nhân. Như tôi đã nói, nghề báo là nghề đặc thù. Dù sử dụng mạng xã hội dưới danh nghĩa cá nhân nhưng khi phát ngôn trên mạng xã hội, cộng đồng sẽ hiểu đấy là quan điểm của nhà báo, và ít nhiều là quan điểm của cơ quan báo chí nơi nhà báo đó đang làm việc, độ tin cậy của thông tin sẽ cao hơn. Chính vì vậy, những phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội rất dễ vi phạm tính chính trực và nguyên tắc quan trọng của nghề báo là khách quan, trung thực.  
 
Nhà báo bày tỏ quan điểm riêng trên mạng xã hội cũng cần cẩn trọng giống như khi tác nghiệp báo chí trong đời thực, nếu không dễ bị lợi dụng, xuyên tạc, gây ra ảnh hưởng tiêu cực, làm tổn hại đến hình ảnh của báo chí cách mạng trong lòng nhân dân. Chúng ta cần phải nhận thức được rằng các hành động của mình trên mạng xã hội sẽ gắn liền với trách nhiệm tương tự như hành động trong thực tế. Nên những phát ngôn như vậy có thể trở thành bằng chứng để buộc tội theo các quy định pháp luật.
 
PV: Thưa Bộ trưởng, như vậy cơ quan báo chí, nhà báo phải có trách nhiệm như thế nào đối với việc phát ngôn trên mạng xã hội?
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Vấn đề này đang được đặt ra một cách gấp rút với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và hội nghề nghiệp. Chúng tôi khuyến cáo các cơ quan báo chí nên sớm có chính sách riêng về việc phóng viên của mình bày tỏ quan điểm, phát ngôn trên mạng xã hội. Hội Nhà báo có trách nhiệm, cơ quan báo chí có trách nhiệm, nhà báo phải có trách nhiệm về phát ngôn của mình với vai trò dẫn dắt cộng đồng và bổn phận phụng sự xã hội.
 
Chúng tôi hiểu được lợi ích của mạng xã hội đối với nghề báo nhưng tình trạng lạm dụng mạng xã hội để phát ngôn tự do thoải mái của một số nhà báo hiện nay đang đến mức báo động. Cơ quan báo chí thiếu chính sách đối với mạng xã hội so với nhiều cơ quan, doanh nghiệp là sự chậm trễ đáng ngạc nhiên. Chúng ta không cấm sử dụng mạng xã hội nhưng cần phải có chính sách, quy tắc ứng xử chung vì một xã hội thông tin lành mạnh.  Gần 18 ngàn nhà báo và gần 1.000  cơ quan báo chí thực hiện được điều này sẽ là một sự tiến bộ đối với nghề nghiệp và cộng đồng.
 
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
 

 


Ý kiến bạn đọc