(VnMedia) -
Dự báo thị trường BĐS năm 2016 sẽ tiếp tục phát triển, thanh khoản tốt và giá cũng chỉ tăng nhẹ ở một số dự án vị trí nội đô, có hạ tầng tốt.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy |
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản giai đoạn 2011 – 2012 là tình trạng lệch pha “cung – cầu”, thị trường thừa quá nhiều sản phẩm trung và cao cấp, trong khi thiếu quá nhiều sản phẩm bình dân, giá rẻ. Chính vì vậy, việc điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý để sản phẩm bất động sản đến được với mọi đối tượng, phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường là việc hết sức cần thiết.
Từ phân tích trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất một nhóm giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, được Chính phủ cụ thể hóa tại NQ 02 năm 2013 và NQ 61 năm 2014.
Bộ xây dựng đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiến hành rà soát phân loại các dự án bất động sản trên phạm vi cả nước, thực hiện chuyển đổi nhiều dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại (chia nhỏ căn hộ) cho phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường; Chính phủ đã thực hiện việc miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đối với các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt, Chính phủ đã giành gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bán thấp...
Nhờ những giải pháp trên, thị trường BĐS phục hồi tích cực. Lượng giao dịch thành công liên tục tăng, bắt đầu từ phân khúc sản phẩm trung bình và thấp, lan dần sang khu vực sản phẩm trung và cao cấp. Tồn kho bất động sản đến tháng 12/2015 đã giảm 77.659 tỷ đồng (giảm 60,41%) so với quý I/2013. Giá nhà ở được kéo về sát với giá trị thực và tương đối ổn định, trong đó có khu vực đã giảm tới 30% so với thời kỳ sốt nóng năm 2010, giúp người mua được hưởng lợi.
- Thưa ông, trước sự “ấm” lên của thị trường bất động sản thì cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ “bong bóng” có thể bị tái diễn?
Những quan ngại về bong bóng bất động sản là vấn đề rất đáng quan tâm của cả các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và của toàn xã hội. Hiện nay, thị trường bất động sản đã hồi phục; thanh khoản tăng; giá BĐS tương đối ổn định; một số dự án nằm ở gần trung tâm các đô thị, có hạ tầng tốt, đã hoàn thành việc xây dựng hoặc đang thi công có tiến độ tốt, chủ đầu tư có uy tín được nhiều khách hàng quan tâm thì giá có tăng nhưng không nhiều, không đột biến (chỉ khoảng 2 - 5% so với cuối năm 2013).
Hơn nữa, theo quy luật và kinh nghiệm thực tế ở các nước cũng như ở nước ta trong những năm qua thì bong bóng bất động sản thường chỉ xảy ra khi hội tụ được các yếu tố như: Nền kinh tế không ổn định, phát triển quá nóng; Các thị trường đầu tư khác không ổn định, kém hấp dẫn (thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, …);
Nguồn cung quá bất cập, quá thiếu so với nhu cầu; Chính sách tài chính, tín dụng bất động sản bị buông lỏng, hạ chuẩn cấp tín dụng một cách quá dễ dãi; Thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước vào thị trường;... Đối chiếu với các yếu tố nêu trên thì có thể khẳng định: chưa có nguy cơ xảy ra “bong bóng” BĐS. Nếu có sự tăng giá và “nóng sốt” thì cũng chỉ xảy ra ở cục bộ một số dự án có vị trí tốt nằm ở trung tâm đô thị, có hạ tầng tốt, đang thi công có tiến độ tốt, chủ đầu tư có uy tín, có nhiều khách hàng quan tâm.
- Từ những kết quả trên, rõ ràng việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua được xem là một điểm sáng của thị trường. Nhưng còn những rào cản gì khiến cho nguồn cung vẫn còn hạn chế, thưa Thứ trưởng?
Trong lúc thị trường BĐS đóng băng, nhiều doanh nghiệp BĐS đã lựa chọn nhà ở xã hội như là một cứu cánh để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.
Hàng loạt dự án nhà ở xã hội quy mô lớn được nhiều doanh nghiệp triển khai, điển hình như: Tổng công ty Becamex IDC thực hiện Đề án nhà ở xã hội tại Bình Dương với quy mô 64.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 2,7 triệu mét vuông sàn, giai đoạn đã hoàn thành gần 5.000 căn; Tổng công ty IDICO – Bộ Xây dựng triển khai dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai quy mô 3.500 căn, hiện đã hoàn thành đợt 1 với 510 căn, đang triển khai tiếp đợt 2 với gần 1.000 căn;
Tổng công ty Viglacera – Bộ Xây dựng triển khai Dự án Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội với quy mô 3.500 căn hộ, diện tích sàn xây dựng khoảng 175.000 mét vuông sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 14.000 người; Công ty CP đầu tư và thương mại Thủ đô triển khai dự án nhà ở xã hội Bắc Cổ Nhuế - Chèm đã hoàn thành giai đoạn 1 với 930 căn, đang triển khai giai đoạn 2 với 980 căn...
Chính nhờ có chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội kịp thời của Chính phủ đã giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất khi thị trường bất động sản đóng băng và từng bước phát triển ổn định.
Chẳng hạn đối với Tcty viglacera, các dự án nhà ở xã hội không những giúp vực dậy mảng bất động sản mà còn kéo theo sự phát triển của mảng vật liệu xây dựng, đều là những lĩnh vực chính của DN...
Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, khẳng định: “Các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm đạt được nhiều kết quả tích cực, đã giúp cải thiện chỗ ở cho hàng trăm hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về nhà ở, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội”.
Dù nhà ở xã hội đã phát triển đáng kể nhưng thực tế sản phẩm nhà ở xã hội vẫn còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu, trong khi vẫn còn đó nhiều lực cản như: Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; quy định giành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để đầu tư phát triển nhà ở xã hội ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc; nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu; nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa mặn mà với nhà ở xã hội.
Đây chính là những nhiệm vụ đặt ra với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và nỗ lực giải quyết trong thời gian tới. Tuy nhiên, dẫu gì vẫn có thể khẳng định phát triển nhà ở xã hội là một trong những “điểm sáng” trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015.
- Ông đánh giá thế nào về triển vọng của thị trường bất động sản trong năm 2016 khi Việt Nam ngày càng hội nhập hơn nữa với nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại tư do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)?
Sau khi các Hiệp định này được ký kết thì sẽ ngày càng có nhiều các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào đầu tư, làm ăn, sinh sống tại Việt Nam, đồng thời sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư kinh doanh bất động sản tại Việt Nam với tiềm lực về tài chính mạnh, công nghệ xây dựng tiên tiến. Điều này cũng đồng nghĩa với nhu cầu mua và sở hữu nhà ở của người nước ngoài sẽ tăng, đặc biệt đối với phân khúc căn hộ trung, cao cấp tại các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nguồn tài chính mạnh sẽ nhận chuyển nhượng lại các dự án của các doanh nghiệp trong nước mà lâu nay không đủ khả năng để triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, các doanh nghiệp bất động sản trong nước cũng sẽ phải tái cơ cấu đầu tư, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp để đủ sức cạnh tranh ngay chính trên sân nhà. Ngoài ra thị trường văn phòng, dịch vụ, thương mại sẽ có xu thế sôi động hơn.
Từ những phân tích trên, dự báo thị trường BĐS trong năm 2016 sẽ tiếp tục phát triển, thanh khoản tốt. Riêng về giá, nếu có thì cũng chỉ tăng nhẹ ở các dự án có vị trí tốt nằm ở trung tâm các đô thị, có hạ tầng tốt, đã hoàn thành việc xây dựng hoặc đang thi công có tiến độ tốt, chủ đầu tư có uy tín.
Xin cám ơn ông!
Ý kiến bạn đọc