Vi phạm giao thông: Học kinh nghiệm quốc tế trong phạt nguội

18:37, 17/12/2015
|

(VnMedia) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm kiểm soát xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trong đó có việc học kinh nghiệm quốc tế...

phạt nguội
Ảnh minh họa - nguồn: NLĐ

Năm 2015 so với năm 2011 số vụ tai nạn giao thông đã giảm song tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao.

Nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn giao thông đó là: những bất cập về năng lực của kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật phương tiện, quản lý nhà nước và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm và đặc biệt là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông; những hạn chế về ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin chính là rào cản, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, hiệu quả của công tác đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông...

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị có liên quan của Bộ tiếp thu những kết quả nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng công trình giao thông; tổ chức giao thông; thiết kế an toàn giao thông; đánh giá tác động giao thông; xử lý điểm đen tai nạn giao thông, quy trình và nguyên tắc cắm biển báo trên đường bộ, giao thông thông minh; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực nông thôn, tại đường ngang, kiểm soát tốc độ trên đường cao tốc, an toàn giao thông đối với xe giường nằm, sử dụng các nhiên liệu mới trong giao thông vận tải, an toàn giao thông với phương tiện vận tải, những kết quả công bố liên quan đến yếu tố tâm lý, hành vi người tham gia giao thông, an toàn giao thông hàng không, an toàn giao thông đường thủy nội địa...

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp thu các kết quả nghiên cứu về kiểm tra nồng độ cồn theo thông lệ quốc tế, kinh nghiệm kiểm tra nhanh nồng độ cồn không dùng thiết bị, các kinh nghiệm về tập huấn kỹ năng cho lực lượng thực thi công vụ, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, xử phạt nguội, các kinh nghiệm kết hợp giữa xử lý vi phạm và truyền thông…

Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia được Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bên có liên quan nghiên cứu đề xuất mô hình triển khai  “Xây dựng, quản lý khai thác cơ sở dữ liệu Quốc gia về an toàn giao thông”, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; thực hiện triển khai thí điểm hệ thống tích hợp và phân tích dữ liệu an toàn giao thông theo mô hình thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong quý I năm 2016.

Phó Thủ tướng đã đồng ý chủ trương xây dựng Đề án tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Phó Thủ tướng đã giao đồng chí Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án thí điểm xã hội hoá đầu tư hệ thống thu thập, khai thác, xử lý, phân tích dữ liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Hà Nội đã bắt đầu phạt nguội

 

 

Liên quan đến vấn đề này, bắt đầu từ tháng 12/2015 này, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an Hà Nội) cũng đã bắt đầu gửi giấy báo nộp phạt nguội vi phạm Luật giao thông tới các chủ xe.

Theo quy trình, các cán bộ của Đội điều khiển đèn tín hiệu sẽ theo dõi qua màn hình ở trung tâm, quan sát và lưu lại hình ảnh phương tiện vi phạm tại các tuyến phố, nút giao ở Hà Nội. Căn cứ trên hình ảnh này, cảnh sát sẽ chụp và gửi kèm theo giấy báo nộp phạt về nhà để chủ phương tiện đến nộp phạt.

Việc sử dụng hình ảnh camera của cảnh sát để xử phạt nhằm góp phần nâng cao tính tự giác của người dân trong việc tham gia giao thông, ngoài ra hỗ trợ cảnh sát giảm bớt áp lực xử phạt cơ động trên đường, dành thời gian cho việc điều hành giao thông.

Hiện nay, tại Hà Nội đã lắp đặt gần 400 camera phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông. Trong năm 2015, Phòng cảnh sát đã thí điểm việc xử phạt bằng hình ảnh phối hợp với tổ công tác làm nhiệm vụ trên đường, xử lý trên 2.000 trường hợp vượt đèn đỏ, đi sai làn. 


Ý kiến bạn đọc