Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với BĐKH: Điểm đến cho công nghệ sạch

17:08, 11/12/2015
|

(VnMedia) - Chiều nay (11/12), Chính phủ Việt Nam cùng chính phủ Australia và Vương Quôc Anh, và Nhóm Ngân hàng Thế giới đã khai trương dự án hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghệ sạch để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với BĐKH
Hình ảnh tại lễ khai trương Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với BĐKH

Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Vì thế, Chính phủ coi công nghệ sạch là chìa khóa để giảm phát thải khí nhà kính từ 8 đến 10% trong giai đoạn 2010-2020, và  tiếp tục giảm thêm 1,5-2% cho đến năm 2050.

Trung tâm Đối mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi Khí hậu Việt Nam (VCIC), được coi là điểm đến mới cho công nghệ sạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, là cơ sở đầu tiên theo mô hình này được thành lập ở Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ 48 doanh nghiệp công nghệ sạch trong vòng ba năm đầu hoạt động của trung tâm, qua đó cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thích ứng với biến đổi khí hậu cho hơn 1.700 hộ gia đình.

Các dịch vụ của Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với Biến đổi khí hậu Việt Nam bao gồm: Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp nhằm thương mại hóa công nghệ mới; Cung cấp vốn dưới dạng viện trợ để kiểm tra tính khả thi thương mại; Tiếp cận công nghệ, thông tin thị trường; Hỗ trợ chính sách nhằm xây dựng quy định, chính sách hiệu quả trong lĩnh vực phát triển công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu.

“VCIC sẽ góp phần vào các nỗ lực toàn diện của chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh,” Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân phát biểu tại lễ khai trương Dự án.

“Theo Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, mô hình đổi mới, sáng tạo của VCIC sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các công nghệ mới để hỗ trợ tăng trưởng xanh và bền vững.” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, 50% doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng các công nghệ xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, theo ước tính của Chương trình Công nghệ Thích ứng với Biến đổi Khí hậu thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2025, thị trường công nghệ sạch của Việt Nam sẽ cần tổng đầu tư lên tới 19 tỉ đô la Mỹ.

Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Bộ Phát triển Quốc tế Vương Quốc Anh, VCIC sẽ hỗ trợ tài chính, huấn luyện và tư vấn cho ngày càng nhiều các doanh nghiệp công nghệ sạch trong nước hoạt động trong năm lĩnh vực chính bao gồm sử dụng năng lượng hiệu quả, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, và quản lý nguồn nước.

“Khối kinh tế tư nhân đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu,” Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Layton Pike phát biểu. “Tất cả các nước, kể cả nước phát triển và đang phát triển, đều có thể góp phần huy động vốn tư nhân đầu tư vào công nghệ sạch chống biến đổi khí hậu bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.”

“VCIC sẽ góp phần biến các thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội để tăng trưởng nhờ vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhân rộng những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu sáng tạo nhất,” Giám đốc Quốc gia Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa phát biểu.

“Thông qua khuyến khích tinh thần doanh nhân và năng lực đổi mới cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ sạch trong nước, trung tâm sẽ giúp giảm phát thải, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời cũng tạo việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.” - Victoria Kwakwa phát biểu.

VCIC sẽ hoạt động dưới sự chủ trì của Bộ Khoa học và Công nghệ và nằm trong khuôn khổ Chương trình Công nghệ Ứng phó với Biến đổi Khí hậu của Nhóm Ngân hàng Thế giới. Chương trình này hiện đang triển khai một mạng lưới toàn cầu gồm các trung tâm đổi mới sáng tạo tại bảy quốc gia.


Ý kiến bạn đọc