(VnMedia) - Sáng 7/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu khai mạc Đại hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đại hội |
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 là nơi hội tụ, biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến, những nhân tố tiêu biểu, xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước.
Thủ tướng nhận định, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thi đua là yêu nước, yêu nước phải đi đua, nhiều phong trào đã được phát động và trở thành cao trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân.
Thủ tướng đánh giá, 5 năm qua, công tác thi đua khen thưởng được đổi mới, pháp luật về thi đua khen thưởng được hoàn thiện, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh: Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt. Trong thời gian tới, với những thuận lợi và khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, chúng ta càng phải đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.
Thủ tướng tin rằng, Đại hội sẽ cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo cáo tổng kết Phong trào Thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2010-2015; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020 do Phó chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng TĐ-KT Trung ương Nguyễn Thị Doan trình bày nêu bật những thành tích, chiến công và sự đóng góp to lớn của mỗi tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua; những tấm gương điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua yêu nước toàn quốc 5 năm qua.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: "Từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đến nay, Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện".
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và ban hành Chỉ thị 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”, đây là những quan điểm chỉ đạo, định hướng quan trọng đề các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, các phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới, chuyển biến cả về nội dung và hình thức và kết quả đạt được. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Phó Chủ tịch nước đánh giá, công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc. Trong 5 năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng 17 Huân chương Sao vàng, 85 Huân chương Hồ Chí Minh, 3080 Huân chương Độc lập, 377 Huân chương Quân công; hơn 31.000 Huân chương Lao động, gần 200 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; gần 2200 Huân chương, Huy chương Hữu nghị; 86 Anh hùng lao động, 81 Anh hùng LLVT nhân dân; 194 Giải thưởng Hồ chí Minh, 215 Giải thưởng Nhà nước; gần 4.900 danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sĩ, Nghệ nhân (nhân dân, ưu tú); cùng nhiều Huân, Huy chương tặng thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu.
Sau khi điểm lại một số hạn chế, yếu kém và nêu bật 5 bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức Phong trào thi đua yêu nước, báo cáo do Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trình bày cũng đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và 6 giải pháp cơ bản thực hiện Phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
Theo đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phát huy truyền thống và tinh thần Thi đua ái quốc theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội xác định chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; đồng thời thống nhất: Công tác thi đua, khen thưởng 5 năm tới phải được tiếp tục đổi mới, hướng đến mục tiêu: “Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng phải phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Phong trào thi đua yêu nước phải trở thành động lực to lớn, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.
Ý kiến bạn đọc