Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Không sợ đào tạo quá nhiều mà chỉ sợ chất lượng kỹ sư kém!"

13:56, 29/12/2015
|

“Chúng ta nói nhiều về việc thừa kỹ sư, cử nhân khi có 170.000 người thất nghiệp. Nhưng tôi có thể khẳng định, chúng ta không sợ đào tạo quá nhiều mà chỉ sợ chất lượng kỹ sư chúng ta kém mà thôi. Bởi vì phải có kỹ sư thì người ta mới vào đầu tư. Cách đây vài năm khi Intel vào tìm hiểu, kiểm tra, chỉ có 8% kỹ sư của mình đạt yêu cầu. Chính vì thế phải tăng cường chất lượng đào tạo" - Phó Thủ tướng nói tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các bộ ngành, địa phương tổ chức ngày 28/12.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chính phủ chuẩn bị ra Nghị quyết về năng suất lao động, trong đó có ba yếu tố cơ bản để tăng năng suất là đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực. 

Liên quan đến năng suất lao động, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, báo chí dẫn lời một số nhà nghiên cứu cho rằng đến năm 2069, năng suất lao động của Việt Nam mới bằng Thái Lan.  “Tôi cho rằng không nên nói như vậy, cho dù có thể không sai nhưng đó cũng chỉ là một cách tiếp cận. Năng suất có nhiều định nghĩa nhưng chung nhất là GDP chia cho số lao động. Nước mình đang phát triển, GDP trên đầu người thấp thì năng suất cũng thấp" Phó Thủ tướng nói. 

Để tăng năng suất lao động, theo Phó Thủ tướng, phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng về cơ bản là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, điều này là rất quan trọng.

Một số nhà khoa học nói kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng theo chiều rộng đủ rồi, giờ phải theo chiều sâu là tăng trưởng xanh, là công nghệ cao. “Nhưng theo tôi đối với Việt Nam thì điều đó chưa phải là chính, phải nhìn nhận thẳng thắn với nhau như vậy," Phó Thủ tướng chia sẻ. 

Năng suất lao động của các nước trên thế giới cũng tính tương tự như Việt Nam. Nếu nông nghiệp tính là một thì công nghiệp là bốn lần, dịch vụ tính 3-4 lần tùy từng nước. Năm ngoái, ở Việt Nam tính năng suất nông nghiệp trung bình là 27 triệu đồng/người/năm; dịch vụ 93 triệu đồng/người/năm và công nghiệp là 121 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta có 46% lao động nằm ở nông nghiệp trong khi các nước chỉ có từ 5-10%. Từ 46% giảm xuống 10% là rất khác, chênh lệch 36% lao động chuyển dịch là rất lớn chứ không phải nhỏ, nếu những người đó có việc làm thì năng suất sẽ lên, chưa cần công nghệ cao, tay nghề cao.

“Do vậy, Việt Nam cần có chiến lược lớn, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút doanh nghiệp đầu tư, cộng với đào tạo nhân lực và mở cửa thị trường ra bên ngoài theo các hiệp định mới là quan trọng” - Phó Thủ tướng nói. 

Về công nghệ, theo Phó Thủ tướng, để một nhà máy cũ đổi mới công nghệ thì có rất nhiều vấn đề về vốn, thuế…, do đó cần tập trung vào doanh nghiệp mới, có chính sách cụ thể đi thẳng vào công nghệ.


Ý kiến bạn đọc