(VnMedia) - Khảo sát cho thấy, mới chỉ có 29% doanh nghiệp cho biết đã triển khai chính sách về liêm chính. Đặc biệt, ngay cả trong lĩnh vực ngân hàng, cũng không phải tất cả đều thực hiện chính sách quan trọng này...
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức công bố kết quả báo cáo khảo sát “Hiện trạng Thực hành Liêm chính trong Kinh doanh và Nhu cầu Hỗ trợ Xây dựng Năng lực của doanh nghiệp”.
Khảo sát nhằm mục đích đánh giá mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về liêm chính, minh bạch; xác định rõ tình hình năng lực hiện tại việc triển khai và thực hiện các chính sách về liêm chính, quản trị doanh nghiệp, đồng thời nắm bắt rõ nhu cầu của doanh nghiệp mong muốn hỗ trợ xây dựng năng lực thực hành liêm chính trong thời gian tới.
Khảo sát được thực hiện tại 3 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Tham gia khảo sát có 180 doanh nghiệp gồm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, hoạt động trong các lĩnh vực chế biến lương thực và thực phẩm, da giày, dệt may, ngành công nghiệp lắp ráp, điện-điện tử, ngân hàng.
Theo kết quả khảo sát, việc doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và hiểu đúng về liêm chính trong kinh doanh chiếm 55% và họ đồng ý rằng, liêm chính phải gắn liền với các nguyên tắc, chuẩn mực về đạo đức và quy phạm pháp luật tạo ra rào cản đối với nạn tham nhũng, hối lộ.
Đối với khái niệm về minh bạch và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp đều hiểu khá đầy đủ và không có sự khác nhau chiếm từ 92,78% - 93,82%, tuy nhiên nếu xét sự hiểu biết của các doanh nghiệp trong từng ngành thì sẽ có sự chênh lệch, chưa đồng đều.
Về tình hình thực hiện, triển khai các chính sách về liêm chính trong doanh nghiệp nói chung, mới chỉ có 29% doanh nghiệp cho biết họ đã triển khai chính sách về liêm chính. Tuy nhiên, khi thực hiện khảo sát, một số doanh nghiệp cho biết họ chưa thực hiện triển khai chương trình liêm chính tổng thể trong doanh nghiệp, nhưng họ đã triển khai các chính sách và quy định trong nội bộ doanh nghiệp như kiểm soát chi tiêu bao gồm nhiều cấp độ đánh giá, giới hạn chi tiêu và yêu cầu tài liệu hóa, thực hiện cơ chế báo cáo (chiếm trên 60%).
Tính riêng lĩnh vực ngân hàng, tỉ lệ này chiếm 80% vì đây là đặc thù của ngành ngân hàng có giao dịch tài chính nên việc áp dụng các biện pháp kiểm soát gian lận thực hiện khá bài bản và có quy mô.
Các quy định khác như mua sắm - đấu thầu, luân chuyển cán bộ, tặng quà và nhận quà, khiếu nại, tố cáo… vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Số các doanh nghiệp đã chú trọng triển khai tới các quy định như kiểm soát nội bộ, tuyển dụng đào tạo, đề bạt, chế độ đãi ngộ, tiếp khách chiếm trên 50%.
Mới chỉ có 29% doanh nghiệp cho biết họ đã triển khai chính sách về liêm chính (Ảnh minh họa) |
Một số lý do dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện và thực hiện chưa thành công chương trình liêm chính trong doanh nghiệp so với các công ty đa quốc gia, là do chưa có đủ khả năng kiểm soát hết các quy định về hoạt động của doanh nghiệp, thiếu nhân lực, khó khăn trong việc xác định giá trị cốt lõi và nếu có triển khai thì việc phổ biến, đào tạo thường xuyên còn hạn chế, chưa có sự đồng thuận cao trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố dẫn đến thành công trong việc thực hiện chương trình liêm chính trong doanh nghiệp, đó là sự đồng thuận và tính cam kết cao, tăng cường vai trò của các nhà lãnh đạo và tính trách nhiệm trong kinh doanh, thường xuyên nâng cao yêu cầu về các chuẩn mực liên quan tới tính nhất quán, tính tuân thủ phải là một công việc có tính bắt buộc, vv…
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI đã nhấn mạnh “Hãy đừng chỉ đóng khung “liêm chính và minh bạch” trong khuôn khổ của giá trị đạo đức thuần túy bởi đây thực chất là sự kết hợp đầy thú vị giữa đạo đức và kinh doanh. Hay nói đúng hơn, liêm chính và minh bạch thực ra là lõi của quản trị kinh doanh, chi phối quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin trong nội bộ DN, tương tác từ cả chiều trên xuống và dưới lên”.
Ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, “liêm chính và minh bạch” tạo nền tảng cho việc tạo dựng giá trị trong kinh doanh bởi nó đưa hoạt động doanh nghiệp vào một quy trình tuân thủ những giá trị đạo đức và chuẩn mực nhất định của một tổ chức, một quốc gia, và cao hơn nữa là quốc tế.
“Nếu chỉ tìm những cơ hội săn tìm lợi nhuận ở “vùng nước đục”, đó là cách làm đã lâu và chỉ mang tính ngắn hạn. Giờ đây, nền kinh tế phát triển đến mức, cơ hội thực sự chỉ dành cho những DN có cái nhìn dài hạn theo đuổi giá trị phát triển bền vững mà thôi”. - Ông Vinh nói.
Ông Florian Beranek, Chuyên gia cao cấp về Trách nhiệm Xã hội, UNIDO cho biết các nguyên tắc liêm chính không còn giới hạn trong phạm vi tuân thủ phổ biến hiện nay mà thuộc về văn hoá doanh nghiệp, được xây dựng trên các giá trị như minh bạch, tin tưởng, tôn trọng và khoan dung.
“Đây là những nền tảng của một doanh nghiệp hiện đại có khả năng thành công trên thị trường toàn cầu. Liêm chính cũng tạo ra một không gian rộng mở cần thiết cho sáng tạo và đổi mới khi mà phương pháp tuân thủ đơn thuần đang kìm hãm sự đổi mới. Nói một cách ngắn gọn, liêm chính là một yếu tố phải có đối với những doanh nghiệp muốn tăng vị thế trong chuỗi sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng” - ông Florian Beranek nói.
Ý kiến bạn đọc