Hà Nội: 168 triệu lít bia chuẩn bị đón Tết

14:01, 30/12/2015
|

(VnMedia) - Dự kiến tổng lượng hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn thành phố đạt 21.610 tỷ đồng. Trong đó, tiền ứng từ quỹ dự trữ của thành phố cho các doanh nghiệp (DN) bình ổn giá là 236,074 tỷ đồng).

uống rượu bia
Hà Nội đã chuẩn bị 168 triệu lít bia cho Tết Nguyên đán

Chiều 29/12, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu, đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác chuẩn bị hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các DN kinh doanh thương mại tập trung dự trữ các mặt hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị ước tính hơn 12.780 tỷ đồng; Các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát dự trữ tổng số lượng hàng hóa ước tính khoảng 6.748 tỷ đồng, với khoảng 26.200 tấn bánh kẹo, 168 triệu lít bia.

Hiện nay, các làng nghề trên địa bàn Thành phố đang tập trung sản xuất kinh doanh các nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như chế biến nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo, dệt may, chè, miến dong… với tổng giá trị ước tính gần 2.100 tỷ đồng.

Đến giữa tháng 12, trên địa bàn Thành phố, các doanh nghiệp đã sản xuất được từ 30 - 60% lượng hàng hóa phục vụ tết.

Từ nay tới Tết Nguyên đán, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tốt công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Trong đó, chú trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm, khai thác hàng hóa từ các tỉnh, thành phố có nguồn hàng để bù đắp lượng hàng hóa thiết yếu còn thiếu, diễn biến phức tạp như: thịt lợn, thịt gà, rau củ, các loại thủy sản nước mặn…

Bên cạnh đó, UBND TP yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết một cách thuận lợi, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, các khu công nghiệp... Tổ chức các chương trình khuyến mại để phục vụ nhu cầu thăm quan, mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Đối với các doanh nghiệp xăng dầu, Trung tâm thương mại, siêu thị, các doanh nghiệp bình ổn giá, UBND TP yêu cầu cần đăng ký các điểm tổ chức bán hàng trong dịp Tết, trong đó, ít nhất 30% các cửa hàng của các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá phải phục vụ từ ngày mồng 2 Tết.

UBND TP cũng chỉ đạo Sở Công thương Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai 9 trung tâm bán hàng Việt tại các huyện; phối hợp với các sở, ngành liên quan, các quận, huyện tổ chức các chợ hoa, các chợ nông sản để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Trong việc thực hiện tuyên truyền, theo dõi tình hình thị trường dịp Tết Nguyên đán 2016, UBND TP chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở TT&TT, các cơ quan truyền thông của Thành phố tuyên truyền về công tác phục vụ Tết, các chương trình bán hàng Tết, các điểm bán hàng Tết, chương trình bình ổn giá của Thành phố để ngăn chặn tác động tâm lý và hành động đẩy giá lên cao, các thủ đoạn phao tin đồn nhảm, gây hoang mang cho người dùng, định hướng để người tiêu dùng có quyết định mua sắm hợp lý, giảm áp lực cung cầu trên thị trường.

Trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, UBND TP chỉ đạo Chi cục QLTT, Công an Thành phố tập trung tăng cường kiểm tra ngăn chặn việc buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhậu lậu; tập trung phát hiện, xử lý các điểm bán hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết.

Phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, việc bình ổn giá tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả công tác bình ổn giá thị trường trong cả nước. Vì vậy, đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tiếp tục thực hiện tốt công tác này.


Ý kiến bạn đọc