Tuyển sinh ngành tài nguyên - môi trường: Nơi ăn không hết, nơi lần không ra

20:42, 06/11/2015
|

(VnMedia) - Rất nhiều ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường đang rất khó tuyển sinh, đặc biệt việc tuyển được học sinh giỏi vào những ngành khoa học kinh điển lại càng khó hơn nhiều.

Tại Hội nghị mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường diễn ra ngày 6/11, nhiều đại biểu đều có chung ý kiến trên.

Học giỏi thường không chọn

Liên quan đến lĩnh vực đào tạo tài nguyên môi trường, PGS. TS. Vũ Hoàng Linh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trường có đến một nửa số khoa đào tạo liên quan đến lĩnh tài nguyên và môi trường như: khoa Đại lý, Địa chất, Môi trường, Khí tượng thủy văn và Hải dương học,  với 11 chuyên ngành đào tạo.

Số sinh viên của các khoa trong lĩnh vực trên của Đại học Khoa học tự nhiên chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên của nhà trường. Quy mô tuyển sinh chỉ tính riêng của các ngành liên quan đến tài nguyên môi trường dao động từ 400 - 500 sinh viên/1 năm.

Một số ngành đang có sức thu hút học sinh đăng ký tuyển sinh mạnh như ngành Quản lý Tài nguyên môi trường, Quản lý Đất đai..., những ngành này thậm chí còn “hút” hơn cả những ngành Toán học, Vật lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều ngành vốn là khoa học cơ bản đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh như: ngành Địa lý tự nhiên, ngành Đại chất học, ngành Khoa học đất, ngành Khí tượng thủy văn.

Việc thu hút học sinh giỏi vào các ngành đào tạo liên quan đến tài nguyên môi trường lại càng khó khăn, đặc biệt là các ngành khoa học kinh điển, trong nhiều năm gần đây tỷ lệ tuyển được sinh viên rất thấp, các em học giỏi thường rất hiếm khi chọn ngành này.

Tương tự, PGS. TS Trần Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Đại học Mỏ Địa chất cũng cho biết trường đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Số lượng sinh viên tuyển được vào trường ngày càng giảm. Trong đó có nguyên nhân do sinh viên sau khi ra trường tìm việc rất khó khăn nên đã ảnh hưởng đến số lượng đầu vào đào tạo.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, PGS. TS. Vũ Hoàng Linh cho biết, sinh viên theo học ngành liên quan đến tài nguyên môi trường thường có tâm lý không ổn định và chưa thực sự gắn bó với nghề. Lý do là các em chưa hiểu rõ hết về ngành nghề mình đang học. Nhiều khi còn vì các em không đủ điểm tuyển sinh vào các ngành mong muốn nên đành chấp nhận vào học những ngành trong lĩnh vực môi trường.

Một vấn đề nữa, PGS. TS. Vũ Hoàng Linh cho biết là tỷ lệ sinh viên nữ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường lại tăng, nhưng rất nhiều em băn khoăn "liệu mình là sinh viên nữ mà học ngành địa chất thì sau này ra trường sẽ đi làm như thế nào?". Đây cũng là một khó khăn trong công tác đào tạo của nhà trường.

Mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo

Trong khi có những chuyên ngành rất khó tuyển được sinh viên theo học thì có những chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường lại đào tạo nhiều hơn nhu cầu của xã hội. 

Theo ông Tạ Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngoài các cơ sở đào tạo thuộc Bộ này còn có rất nhiều cơ sở đào tạo ngoài bộ. Hiện nay, cả nước có 428 trường đại học, cao đẳng và học viện thì có khoảng 80 trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường. Trong tổng số 80 cơ sở trên có khoảng 20 cơ sở có khoa, viện và trung tâm nghiên cứu; 60 cơ sở chỉ mở một hoặc một số chuyên ngành đào tạo tài nguyên và môi trường như: địa chất, khoáng sản, trắc địa, bản đồ, quản lý đất đai, viễn thám, khí tượng…

Vì vậy, ông Tạ Đình Thi cho rằng đây là sự mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo liên quan đến tài nguyên và môi trường, trong đó, lĩnh vực đất đai, môi trường được đào tạo nhiều hơn nhu cầu, trong khi đó có một số lĩnh vực còn thiếu hoặc chưa có chuyên ngành đào tạo như: quản lý biển và hải đảo, kinh tế biển, biến đổi khí hậu, bào tồn và phát triển đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên…

Bên cạnh đó, ông Thi cho rằng, hiện một số trường đại học, cao đẳng địa phương, các trường đại học mới thành lập hoặc mới mở ngành đào tạo về tài nguyên và môi trường còn thiếu phòng thí nghiệm, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học. Một số chương trình phần mềm hỗ trợ việc nghiên cứu, học tập chưa đáp ứng yêu cầu do cần đầu tư nguồn kinh phí lớn.

Về nội dung chương trình, giáo trình còn nặng về lý thuyết, chưa chú trọng đến thực hành. Một số chương trình đào tạo chưa thực sự tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ và hội nhập, thiếu trang thiết bị ky năng mềm. Một số chương trình mang tính chất hàn lâm, không phù hợp với giá trị ứng dụng của thị trường lao động…

PGS. TS. Phan Đình Tuấn, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cũng cho rằng, hiện nay hầu như tất cả các trường đều mở ngành đào tạo khoa học môi trường, nhưng do hướng tiếp cận và trình độ giảng viên khác nhau nên chất lượng đào tạo còn rất hạn chế và có những bất cập. Vì vậy, ông mong muốn dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một chương trình đào tạo thống nhất, chuẩn hóa. Có như vậy mới có được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu xã hội. 

 


Ý kiến bạn đọc