Phản biện "gay gắt" việc tích hợp môn Lịch sử ở bậc phổ thông

19:35, 15/11/2015
|

(VnMedia) - Tại Hội thảo khoa học “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông” diễn ra sáng nay (15/11), rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, các giáo viên dạy Lịch sử đã phản biện một cách gay gắt về việc môn Lịch sử được tích hợp cùng các môn học khác ở bậc phổ thông trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Lời nguyền từ hội thảo

Theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, ở cấp tiểu học, tích hợp môn Lịch sử trong môn "Cuộc sống quanh ta" ở lớp 1, 2, 3 và trong môn "Tìm hiểu xã hội" ở lớp 4, 5. Lên cấp THCS, môn Lịch sử tiếp tục được tích hợp trong môn "Khoa học xã hội" rồi môn "Công dân với Tổ quốc". Tuy nhiên, qua tranh luận rất thẳng thắn và gay gắt, trên cơ sở khoa học, tuyệt đại đa số các nhà nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử đều khẳng định sự cần thiết, tất yếu để môn Lịch sử phải là môn học độc lập, bắt buộc trong giáo dục phổ thông, trước khi trở thành một nội dung trong môn học tích hợp Công dân và Tổ quốc (nếu cần phải có môn học tích hợp này).

Các đại biểu cũng khẳng định: các nước phát triển (như Mỹ, Canada, nhiều nước Châu Âu, Hàn Quốc), các nước láng giềng (như Trung Quốc) đều xếp môn Lịch sử vào vị trí môn học độc lập, bắt buộc ở bậc phổ thông. Người dự kỳ sát hạch để trở thành công dân Mỹ phải thực hiện bài viết về lịch sử nước Mỹ. Trung Quốc thì thông qua môn học lịch sử từ bậc phổ thông mà triển khai tư tưởng bành trướng, tham vọng lãnh thổ đối với các quốc gia khác.

GS. NGND. Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội thẳng thắn phát biểu: "Nhìn lại một quá trình khá dài mới thấy, từ lâu rồi môn lịch sử không còn được coi là môn thi chính thức trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, nó được xem là môn “thay thế”, nghĩa là nơi nào thí sinh không thi ngoại ngữ thì có thể chọn thi môn Sử. Thậm chí trong các kỳ thi gần đây, Lịch sử còn được xem là môn tự chọn". Vì thế, GS. NGND. Vũ Dương Ninh đã đưa ra kết luận trong bài phát biểu của mình: môn Lịch sử đã bị đẩy lùi từng bước, loại bỏ từng bộ phận và cuối cùng không còn vị thế của một môn học riêng biệt, ngang bằng như các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

Thầy giáo Trần Trung Hiếu - Giáo viên chuyên Sử, Trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An), cũng cho biết, rất nhiều giáo viên đã "ăn không ngon, ngủ không yên", "thất vọng tràn trề" và có phản ứng dữ dội khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lại định tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác ở bậc phổ thông. Sau khi thắc mắc "không biết Bộ đã tham khảo ý kiến của giáo viên trên toàn quốc về việc này hay chưa mà lại quyết định như vậy?", thầy giáo Trần Trung Hiếu khẳng định "phải trả lại tên cho em" với môn Lịch sử.

Lời nguyền của GS. TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc tại hội thảo.
Lời nguyền của GS. TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc tại hội thảo.

GS. TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì vạch trần quá trình chậm trễ, cẩu thả đến mức có thể nghĩ đến ý đồ gian dối đối với việc đưa chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa Lịch sử phổ thông. Thậm chí, ông đã đưa ra lời nguyền để kết thúc tham luận của mình tại hội thảo: “Dù cho môn Sử có bị bức tử, dù cho chủ quyền của Việt Nam không được đưa vào sách giáo khoa Lịch sử phổ thông thì Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là của Việt Nam”.

Chua xót hơn, PGS. TS. Nghiêm Đình Vì, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương còn nói: “Tôi đã dặn con tôi, nếu môn Lịch sử được là môn học độc lập, bắt buộc trong giáo dục phổ thông thì mới ghi trên mộ tôi chức vụ Nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương, còn như không phải thì không ghi vì tự thấy không xứng đáng khi không bảo vệ được điều này".

Sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất

Đại diện cho hội nghị, GS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổng kết: Việc tích hợp là một xu hướng khoa học của nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Nói chung nên tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên. Cấp Tiểu học, tích hợp môn Lịch sử trong môn "Cuộc sống quanh ta" ở lớp 1, 2, 3 và trong môn "Tìm hiểu xã hội" là có cơ sở khoa học và cần nghiên cứu để tùy theo lứa tuổi, chọn một số kiến thức lịch sử dễ hiểu, nặng về kể chuyện đưa vào nội dung các môn tích hợp. Hội nghị ủng hộ phương án này của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Còn việc tích hợp môn Lịch sử trong môn "Khoa học xã hội" rồi môn "Công dân với Tổ quốc" ở cấp THPT ở dự thảo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hội nghị khẳng định là không thỏa đáng và thiếu cơ sở khoa học. Từ hai môn tích hợp "Khoa học xã hội" ở cấp THCS và môn "Công dân với Tổ quốc" ở cấp THPT, môn Lịch sử đã bị xé nhỏ, tích hợp tùy tiện một ít nội dung vào hai môn kia. Mặc dù một ít nội dung lịch sử trở thành phân môn, nhưng trên thực tế môn Lịch sử đã bị xóa sổ với vị thế và yêu cầu của một môn học trong tính hệ thống và toàn diện của nó.

GS. NGND Phan Huy Lê khẳng định, Hội sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần bảo vệ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS đến cấp THPT. Tât nhiên bảo vệ môn Lịch sử cần gắn liền với yêu cầu đổi mới một cách căn bản và toàn diện hệ thống môn học để phát huy hết hiệu quả giáo dục của môn học.

Một vấn đề nữa, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, trong sách giáo khoa Lịch sử, Địa lý đang lưu hành hoàn toàn chưa đề cập đến lịch sử xác lập, thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vì vậy, Hội nhất trí khẩn thiết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể chậm trễ hơn nữa, bổ sung ngay nội dung về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không thể chờ đợi đến khi biên soạn lại sách giáo khoa phải vài ba năm sau mới hoàn thành.

Thùy Minh


Ý kiến bạn đọc