Có "dấu hiệu hình sự" vụ giả danh hỗ trợ người nghèo?

19:35, 23/11/2015
|

"Vụ việc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo huy động người dân góp tiền ủng hộ người nghèo đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ, để lấy lại niềm tin cho nhân dân".

Đó là ý kiến của Luật sư Phạm Công Út, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm, (Đoàn luật sư TP. HCM), cũng là ý kiến của nhiều luật sư khác khi trao đổi với báo chí.

Như đã đưa tin, việc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn kêu gọi thành viên đóng 1,2 triệu đồng thì được nhận 5,25 triệu đồng, về việc số tiền chênh lệch này lấy từ đâu ra, trong khi Trung tâm không hoạt động kinh doanh… ông Trần Đức Trung, Chủ tịch Hội đồng thành viên nói do “trung tâm có nhiều nguồn”, từ thành viên đóng góp, từ các nhà hảo tâm, từ các hoạt động khác…

Đồng thời, ông Trung cho biết là các thành viên tham gia là tự nguyện, không ép buộc… nhưng nhân viên của Trung tâm hỗ trợ người nghèo lại ra sức mời chào người dân tham gia.

Đáng chú ý là trong đơn thư và tài liệu mà phóng viên có được thì cứ giới thiệu 1 người, thành viên giới thiệu được Trung tâm "hỗ trợ vốn" là 500 nghìn đồng. Sự việc có dấu hiệu "lấy tiền của người sau trả tiền cho người trước" kiểu đa cấp bất chính.

Trong khi đó, mục đích hỗ trợ người nghèo mà trung tâm này “quảng cáo” chỉ được 10.000- 20.000 đồng. Chỉ bằng khoảng 1% giá trị tối thiểu mà thành viên “ủng hộ”.

Khi tham gia, trung tâm này đã “dàn trận” để người tham gia ký vào đơn tự nguyện tham gia không có quyền thắc mắc gì về nội quy của chương trình. Nói một cách rõ hơn, là phải chấp nhận mất tiền không đòi lại, mặc dù số tiền đó không được sử dụng đúng mục đích.

Việc “mời chào” có dấu hiệu bất thường này đã được người dân cung cấp cho phóng viên, và cũng đã được UBND xã Thiệu Long (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), báo cáo lên các cấp có thẩm quyền.

Từ những phân tích trên đây, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm, (Đoàn luật sư TP. HCM), cho rằng: “Vụ việc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ, để lấy lại niềm tin cho nhân dân”.

Trong khi đó, trao đổi với PV, Luật sư Trần Minh Hùng, Hãng luật Gia Đình (Đoàn luật sư TP. HCM) cũng đưa ra khẳng định “Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức, gây dư luận xấu”.

"Theo cá nhân tôi Vụ việc Trung tâm hỗ trợ người nghèo lợi dụng từ thiện để trục lợi như thông tin Infonet cung cấp là vi phạm pháp luật - tức có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, việc lợi dụng từ thiện để trục lợi còn là hành vi vi phạm đạo đức xã hội, gây dư luận xấu cho xã hội." - Luật sư nói.

Ông cho biết, theo quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 30/2012/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện thì Điều kiện để quỹ hoạt động và điều kiện thành lập là:

- Có giấy phép thành lập và công nhận điều lệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Đã công bố về việc thành lập quỹ;

- Có văn bản xác nhận của ngân hàng nơi quỹ đăng ký mở tài khoản về số tiền mà sáng lập viên đóng góp để thành lập quỹ đã có đủ trong tài khoản của quỹ. Đối với tài sản khác, đã thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản cho quỹ;

- Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ.

- Mục đích: giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, từ thiện, nhân đạo và các mục đích phát triển cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận;

- Có thành viên sáng lập quỹ;

Sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân, tổ chức VIệt Nam góp tài sản để thành lập quỹ, tham gia xây dựng dự thảo điều lệ và các điều lệ trong hồ sơ xin phép thành lập quỹ;

Ban sáng lập quỹ có ít nhất là 3 sáng lập viên: trưởng ban, phó trưởng ban và sáng lập viên.

"Qua thông tin thì Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới chưa được cấp phép thành lập quỹ từ thiện của Bộ Nội vụ mà vẫn hoạt động, do vậy đây là hành vi chưa thực hiện đúng theo quy định trên. Mặt khác, việc bán hàng đa cấp phải có sản phẩm cụ thể và phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Không thể dùng danh nghĩa của từ thiện để huy động đóng góp tiền theo kiểu “người sau trả tiền cho người trước” được.

Hành vi của những người lợi dụng từ thiện để trục lợi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Tùy tính chất của hành vi mà có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự hoặc hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự." - Luật sư phân tích.

Trước những bất thường nói trên, vị luật sư cho rằng, đây là những hành vi không những vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vi phạm đạo đức, đáng bị xã hội lên án. Vì hành vi lợi dụng từ thiện để trục lợi là không thể chấp nhận được. 

Nói cách khác hành vi lợi dụng sự đau thương, sự nghèo khổ, hoàn cảnh, lợi dụng sự thương xót của cộng đồng, nhiều người để trục lợi là hành vi "lừa dối" để trục lợi cho mình là hành vi vi phạm pháp luật, đáng phải bị xử lý nghiêm khắc. Hành vi này để lại hậu quả lớn cho xã hội, gây bất bình cho xã hội, ảnh hưởng đến tình hình phát triển của xã hội nói chung. Ngoài ra, từ hành vi vi phạm này làm cho nhiều tổ chức, cá nhân cảm thấy bị xúc phạm, bị lừa dối khi có những đóng góp cho hoạt động từ thiện, gây mất niềm tin cho họ vào những việc đóng góp cho xã hội thiết thực.

"Cá nhân tôi cho rằng hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Vì vậy theo tôi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ngay lập tức tiến hành điều tra, xác minh cụ thể các thông tin báo chí cung cấp. Nếu có dấu hiệu tội phạm cần tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo quy định pháp luật, tạo niềm tin cho dư luận đồng thời để ngăn chặn những hành vi lợi dụng từ thiện để trục lợi tiếp theo."- luật sư Trần Minh Hùng nêu ý kiến.


Ý kiến bạn đọc