(VnMedia) - Đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ ghi âm, ghi hình trong những trường hợp bị can kêu oan ngay từ đầu, bị can có đơn tố cáo bức cung, nhục hình...
Sáng nay (6/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến điều khoản ghi âm, ghi hình khi hỏi cung.
Theo đại Phạm Trường Dân (Quảng Nam), việc hỏi cung bị can của cơ quan tiến hành tố tụng phải được ghi âm ghi hình quy định tại Điều 179 là chưa cần thiết, khó có tính khả thi và không phù hợp với điều kiện của nước ta.
“Chỉ tính riêng cơ sở giam giữ của lực lượng công an được bố trí từ cấp huyện đến cấp tỉnh và Bộ công an đã chưa thể đáp ứng. Hàng năm cơ quan điều tra phải thụ lý khoảng 100.000 vụ án hình sự với khoảng 150.000 -160.000 bị can, nếu thực hiện đúng quy định như dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự thì khoản kinh phí trang bị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, đó là chưa kể phải đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất cho việc lắp ráp thiết bị phục vụ cho công tác ghi âm, ghi hình xây dựng kho tàng, tàng thư, quản lý, bảo quản đĩa băng ghi âm ghi hình chuẩn bị đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ cho việc sử dụng, quản lý, khai thác ghi âm, ghi hình.” – đại biểu nêu hàng loạt khó khăn.
Mặt khác, đại biểu Phạm Trường Dân đề nghị, nếu Quốc hội quyết định như dự thảo thì cần làm rõ, nội dung băng ghi âm, ghi hình có được coi là chứng cứ trong tố tụng hình sự hay không, đồng thời việc khai thác, quản lý sử dụng băng đĩa đã ghi âm, ghi hình như thế nào và các băng ghi âm, ghi hình có được coi là tài liệu mật hay không.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị trước mắt chỉ nên áp dụng ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung bị can đối với những trường hợp cụ thể như bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan hoặc có thông tin, nhất là thông tin của gia đình người bị hại, bị can phản ánh bị can bị oan sai và bị can không nhận tội.
Đại biểu Phạm Trường Dân |
Đại biểu Trần Đình Sơn (Đắc Lắk) cũng cho rằng, với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, việc quy định ghi âm, ghi hình cần có lộ trình. “Cũng nên ghi âm, ghi hình những vụ án có tổ chức, vụ án phức tạp, an ninh quốc gia rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; án không quả tang, án truy xét. Những nguyên nhân oan sai, nhục hình, bức cung hầu như ở những dạng này.” – đại biểu tỉnh Đắc Lắk nói.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho biết hoàn toàn thống nhất với dự thảo và lập luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng với những lý do: Những quy định này là do chính Bộ Công an đề xuất cho nên có cơ sở để thực hiện; Tránh những trường hợp ép cung, nhục hình đã xảy ra thời gian gần đây hết sức nghiêm trọng; Bị can, bị cáo cũng không thể đổ thừa cho cơ quan điều tra về bức cung, nhục hình để phản cung chạy tội, bảo đảm cho tính khách quan, trung thực của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, bản thân bà và nhiều cử tri ngành công an, nhất là các đồng chí điều tra viên còn có một số phân vân, đề nghị giải thích, làm rõ thêm một số ý kiến thắc mắc. Đó l, quy định dự thảo mỗi lần hỏi cung là một lần phải ghi âm, ghi hình hay chỉ ghi âm, ghi hình một lần khi cần thiết? Nếu mỗi lần hỏi cung mà là mỗi lần ghi băng, ghi hình thì liệu có khả thi hay không? ...
Cử tri cũng quan tâm quy định việc sử dụng băng ghi âm, ghi hình này như thế nào? và nếu cơ quan điều tra thực hiện việc hỏi cung mà không ghi băng, ghi hình thì được xem đây là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, vậy hậu quả pháp lý của người vi phạm có tố tụng nghiêm trọng này là như thế nào thì khi Tòa án xét xử có được tuyên bố rằng việc điều tra này vô hiệu không, có được hủy kết quả điều tra để trả về làm lại cho đúng tố tụng hay không...
Bức cung chủ yếu là do năng lực, phẩm chất, đạo đức của điều tra viên
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng cho rằng, việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can là cần thiết để phục vụ cho yêu cầu điều tra và hạn chế tối đa trường hợp vi phạm, nhất là việc bức cung, nhục hình xảy ra trong thời gian vừa qua, đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh vu cáo của bị can, bị cáo.
“Tuy nhiên, dự thảo quy định theo hướng mọi trường hợp hỏi cung bị can tại nơi giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra đều phải ghi âm, ghi hình thì không cần thiết và không đảm bảo tính khả thi” – đại biểu Bùi Văn Xuyên nói.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua xảy ra việc bức cung, nhục hình chủ yếu là do năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức của điều tra viên.
“Do vậy, để hạn chế tình trạng này thì điều quan trọng vẫn là giáo dục phẩm chất đạo đức, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và chúng ta không quá lệ thuộc vào ghi âm, ghi hình.” – đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.
Từ những nội dung phân tích trên, đại biểu đề nghị chỉ ghi âm, ghi hình trong những trường hợp bị can kêu oan ngay từ đầu, bị can có đơn tố cáo bức cung, nhục hình, bị can bị điều tra truy tố về tội có khung hình phạt cao nhất là trung thân, tử hình và bị can trong vụ án có Hội đồng xét xử hủy án để điều tra lại.
Ý kiến bạn đọc