Quốc hội lần đầu tiên bầu Tổng thư ký

13:45, 19/10/2015
|

(VnMedia) - Trong  thời gian 31 ngày làm việc của Kỳ họp Quốc hội được khai mạc vào sáng mai (20/10), Quốc hội sẽ lần đầu tiên bầu Tổng thư ký Quốc hội và quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia...

Ông Nguyễn Hạnh Phúc
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo giới bên lề buổi họp báo.

Sáng 19/10, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố chương trình Kỳ họp 10, Quốc hội khóa 13. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 31 ngày làm việc, trong đó, Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét, thông qua 18 luật, 16 Nghị quyết (trong đó có 3 Nghị quyết chứa quy phạm pháp luật) và cho ý kiến về 8 dự án luật.

Theo đó, nhằm tiếp tục triển khai thi hành, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, tại Kỳ họp này Quốc hội tập trung xem xét, thông qua các dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp như: hoạt động điều tra, công tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án... Đồng thời, Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận, cho ý kiến về nhiều đạo luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm  2013, nhằm hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu ý dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán; Luật thống kê (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật phí và lệ phí; Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật khí tượng thủy văn; Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi); Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức Quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.

Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp này bao gồm: Luật về hội; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật dược (sửa đổi).

Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 12 ngày để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2106; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020...

Quốc hội cũng sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng;

Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ lần đầu quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia (từ 15-21 thành viên); Quốc hội cũng sẽ lần đầu tiên tiến hành bầu Tổng thư ký Quốc hội; phê chuẩn Phó Chủ tịch và ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp...

Trả lời câu hỏi của phóng viên VnMedia rằng "có sự thay đổi nào trong hoạt động của Quốc hội khi bầu chức danh Tổng thư ký Quốc hội hay không?", ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, việc bầu chức danh này là để hòa nhập sâu với thông lệ quốc tế về nghị viện. “Hiện nay trên thế giới chỉ còn có Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Việt Nam và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lào, còn tất cả các nước khác đều dùng chức danh Tổng thư ký Quốc hội” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Lê Kiên về việc có hay không tình trạng các Bộ, Ngành lobby đại biểu, dẫn đến một số đại biểu “có những đoạn phát biểu giống hệt nhau”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, thỉnh thoảng có vài đại biểu phát biểu ca ngợi ngành nọ ngành kia là chuyện bình thường, quan trọng là người dân đánh giá các vị Bộ trưởng đó làm việc hiểu quả như thế nào. 

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc