(VnMedia) - Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bãi bỏ quy định điểm sàn đại học, đầu vào đại học không cần "siết" quá mà quan trọng là "siết" đầu ra.
Góp ý cho việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhiều đại biểu đều có cùng quan điểm trên.
Có điểm sàn học sinh mới học tốt?
GS. Trần Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đặt ra câu hỏi “liệu có phải học sinh cứ đạt điểm sàn vào đại học thì mới học tốt được không”. Theo ông, điều này là không đúng.
GS. Trần Phương cho biết, có nhiều em có khi tiếng Anh rất tốt mà chỉ vì điểm của một môn như Toán hay Lý, Hóa trong khối xét tuyển thấp mà dẫn đến không đủ điểm xét tuyển đại học. Điều này là rất đáng tiếc cho các em, trong khi các em thực sự có mong muốn học tiếp bậc đại học.
“Như ở trường tôi, nhiều học sinh đến xin học vì thực sự muốn học, dù các em không đạt điểm sàn theo quy định của Bộ, các em chỉ cần học tiếng Anh rồi đi du học. Vì vậy, năm nào trường cũng đào tạo khoảng 200 em chỉ học Ngoại ngữ để sau đó đi du học, thậm chí có nhiều em sau đó đi du học tại các trường danh tiếng, học rất giỏi và còn được trường đó cấp học bổng để học lên thạc sĩ. Như vậy đâu chỉ các em học sinh đủ điểm sàn đại học là mới học tốt” - GS. Trần Phương chia sẻ.
Ông cũng khẳng định, việc quy định điểm sàn là không cần thiết mà còn có hại cho đất nước. Lý giải điều này ông phân tích, hàng năm có mấy nghìn sinh viên ra nước ngoài học tập và phải mang theo ngoại tệ chỉ vì các em này không đủ điểm sàn đại học, như vậy là dẫn đến tình trạng “chảy máu ngoại tệ”. Trong khi đó, các trường đại học, cao đẳng trong nước thì lại thiếu học trò.
Vì vậy, theo GS. Trần Phương, Bộ GD&ĐT nên bãi bỏ quy định điểm sàn vào đại học, chỉ cần học sinh tốt nghiệp THPT là có thể vào đại học, còn tuyển như thế nào là tùy vào các trường.
“Tại sao lại đưa ra điểm sàn? Học sinh tốt nghiệp phổ thông là có quyền vào đại học nếu được trường nhận. Chỉ khi đông quá nên mới phải thi để chọn. Còn nếu được nhận, tại sao cấm?” - GS. Văn Như Cương bày tỏ.
Nghiêng về phía giống như GS. Văn Như Cương, GS. Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Hải Phòng cũng cho rằng, chỉ cần học sinh đã tốt nghiệp THPT qua ngưỡng là có thể vào đại học, miễn là trường nhận, việc tuyển chọn như thế nào là do các trường.
GS. Lâm Quang Thiệp cũng đưa ra quan điểm ngoài việc để các trường tự chủ tuyển sinh thì Bộ GD&ĐT không nên quy định điểm sàn, vì mỗi trường đào tạo theo yêu cầu riêng. “Sàn trên cả nước chính là tốt nghiệp phổ thông”.
Ảnh minh họa |
“Siết” đầu vào mà buông lỏng đầu ra
Theo GS. Trần Phương, lâu nay Bộ chỉ quan tâm quá nhiều vào việc xét đầu vào mà buông lỏng đầu ra của các trường đại học. Quá trình đào tạo như thế nào mới là quan trọng thì lại ít được quan tâm.
Ông đưa ra ví dụ phân tích: Chương trình đại học nước ta quy định có 130 tín chỉ (giống như quy định của Hoa Kỳ), nhưng người Việt học 130 tín chỉ là chưa đủ. Vì người Mỹ không phải học tiếng Anh, hay người Thái Lan có tiếng Anh từ bậc phổ thông rất tốt nên khi lên đại học là có thể bắt tay vào học thẳng kiến thức bằng tiếng Anh, còn sinh viên người Việt phải đi học tiếng Anh mất đến 40 tín chỉ (tương đương với 1 năm học) cũng chỉ đạt trình độ B1, thậm chí nhiều trường chỉ học 10 tính chỉ thì làm sao đạt trình độ tiếng Anh B1. Vậy còn thời gian đâu học Tin học, học các môn chuyên ngành khác.
Bên cạnh đó, theo GS. Phương, “đào tạo nhân lực còn là trách nhiệm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, chứ không phải chỉ có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng lâu nay các trường nghề rất thiếu học trò. Trong khi đó, một đất nước đang muốn công nghiệp hóa như nước ta mà lại thiếu thợ lành nghề. Thêm nữa, học sinh học nghề mà cũng bắt học học đủ thứ như: Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Triết học… Ngành học nào từ sơ sấp đến bậc đại đại cũng muốn đưa vào học tất cả những nội dung đó khiến không còn nhiều thời gian mà đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn. Nhiều môn học chỉ bày ra cho vui nên sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều”.
Một bất cập nữa mà GS. Phương chỉ ra là việc Bộ GD&ĐT quy định môn học nào sinh viên cứ đạt 5 điểm là đỗ. Với mức điểm này thì Bộ đã quy định quá thấp. Ông cho rằng phải đạt 6 điểm trở lên thì mới được công nhận đạt, vì nhiều năm đào tạo ông thấy "làm gì có sinh viên nào ra trường chỉ với điểm trung bình cộng của cả khóa học là 5 hoặc dưới 6 điểm." Vì vậy, theo GS, Bộ phải “siết” đầu ra hơn nữa.
Liên quan đến câu chuyện “siết” đầu vào đại học, TS. Mai Văn Tỉnh - Ủy viên Ban Nghiên cứu, phân tích chính sách, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cũng dẫn ra một ví dụ điển hình là lâu nay Trường Đại học Ngoại thương luôn là trường siết rất chặt đầu vào, với điểm tuyển sinh hàng năm luôn nằm ở tốp gần như cao nhất cả nước. "Nhưng có phải tất cả số sinh viên này sau khi ra trường đều thành các nhà kinh doanh, doanh nhân… thành đạt đóng góp cho xã hội đâu, chưa muốn nói là số ít”.
Như vậy, theo ông, việc siết đầu vào đại học mà không quan tâm đến hiệu quả của đầu ra là sai lầm.
GS. Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, nhiều nước trên thế giới cũng không quan tâm nhiều lắm đến đầu vào của bậc đại học mà quan trọng là siết đầu ra. Vì vậy, cần đẩy mạnh tự chủ của các trường đại học cùng với việc quy định tự chịu trách nhiệm của các trường để đẩy mạnh chất lượng đào tạo.
Thùy Hoa
Ý kiến bạn đọc