UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án “Thí điểm quảng cáo trên xe buýt” do Sở Giao thông vận tải thành phố trình duyệt. Theo đó sẽ có 10 tuyến xe buýt có trợ giá với 156 xe tổ chức thực hiện đề án này với thời gian thuê thân xe tối đa 1 năm.
Cụ thể là các tuyến: Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn (tuyến số 1); Bến Thành - Đầm Sen (11); Công viên 23/9 - Âu Cơ - Bến xe An Sương (27); Công viên 23/9 - Chợ Xuân Thới Thượng (28); Khu dân cư Tân Quy - Khu dân cư Bình lợi (31); Bến Thành - Thới An (36); Bến Thành - Võ Văn Kiệt - Bến xe Miền Tây (39); Bến xe quận 8 - Bến Thành - Bến xe Miền Đông (45); Công viên 23/9 - Khu công nghiệp Tân Bình (69); Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng (86).
Một tuyến xe buýt tại TP.HCM với vẻ ngoài "sạch bong" |
Khi triển khai thí điểm, cơ quan chức năng đặt ra mục tiêu sẽ có thêm nguồn thu để giảm số tiền trợ giá cho hình thức vận tải này trong bối cảnh ngân sách thành phố đang rất “căng thẳng”. Ngoài ra đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm trong nước, cũng là cách để đơn vị vận tải đổi mới diện mạo xe nhằm thu hút thêm người sử dụng…
Về số tiền thu được, UBND TP cho biết sẽ được nộp vào ngân sách thành phố (sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan), qua đó Sở Giao thông vận tải sẽ có trách nhiệm đánh giá hiệu quả của việc thí điểm để từ đó xem xét việc mở rộng ra các tuyến còn lại.
Trong báo cáo gửi tới Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND TP vào tháng 3 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải cho biết nếu được triển khai thì số tiền quảng cáo trên 10 tuyến xe sẽ là gần 10 tỷ đồng. Còn nếu thực hiện trên tất cả các tuyến (2.344 xe) thì sẽ thu về khoảng 170 tỷ đồng (chưa trừ chi phí).
Trước đó dù nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Biên Hòa (Đồng Nai)… đã cho phép quảng cáo trên xe buýt để giảm trợ giá thì TP.HCM vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Liên quan đến vấn đề này, Báo cáo kết quả chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 – 2015 và phương hướng giai đoạn 2016 – 2020 của thành phố cho thấy khối lượng vận tải hành khách công cộng đã không đạt được chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể, tính đến hết 2014 chỉ tiêu này chỉ đạt 9,9% (tương đương 594 triệu lượt khách) so với chỉ tiêu 15%. Dự tính đến cuối năm 2015 cũng chỉ đạt được 600 triệu lượt khách (tương đương 65% so với chỉ tiêu).
Trong khi đó số tiền trợ giá và ngân sách phải “gánh” vẫn tăng đều theo từng năm. Cụ thể năm 2011 thành phố đã trợ giá cho các tuyến xe buýt 1.364 tỉ đồng, năm 2012 là hơn 1.400 tỉ, năm 2013 là 1.470 tỉ.
(Theo Infonet)
Ý kiến bạn đọc