Lập phố "đèn đỏ" để quản lý cả công chức thích... "dịch vụ ấy"

07:33, 27/10/2015
|

(VnMedia) - Các đại biểu Quốc hội khi trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 26/10 đều cho biết, khi không thể ngăn cấm được hoạt động mại dâm thì nên thành lập “khu đèn đỏ” để quản lý tốt hơn đối với cả người hành nghề mại dâm cũng như cán bộ, công chức.

phố đèn đỏ
Lập khu phố "đèn đỏ" để quản lý tốt hơn

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa:

Phải xem mục đích của chúng ta là gì khi thành lập khu “đèn đỏ”. Nếu để hạn chế các tệ nạn xã hội, để bảo vệ phụ nữ, bảo vệ thuần phong mỹ tục, cái này chắc không ai không thống nhất cả.

Khi có mục đích như vậy, phải tìm phương thức, phương tiện làm sao để mục đích đó đạt kết quả tốt nhất. Cái này nước nào cũng đặt ra. Nhiều nước đã đi đến các phương pháp gom lại và quản lý.

Ví dụ vấn đề ma túy ở Hà Lan, họ gom lại chỉ một số địa điểm nhất định được dùng, quản lý bằng cách chỉ cho dùng ma tuý nhẹ, còn sử dụng bên ngoài thì trừng trị rất nặng. Ở Hà Lan cũng có khu vực đèn đỏ nhưng có ai dám nói ở Hà Lan thuần phong mỹ tục băng hoại không? có ai dám nói công dân, phụ nữ của họ bị đối xử tệ hại không?

Nhiều quốc gia chọn phương thức gom lại và quản lý để đạt được lợi ích tối ưu là hạn chế. Còn nếu không công nhận, tưởng như không có nhưng thực tế ở trong thôn cùng ngõ hẻm, trên các đường phố thì hiện trạng này tồn tại khắp nơi và ngày càng tăng lên.

Không phải ngẫu nhiên mà ở những quốc gia phát triển cao, có điều kiện nhân quyền cao, tiêu chuẩn sống cao, luật pháp nghiêm minh, họ chọn phương án gom lại để quản lý.

Theo tôi, bước đầu nên có sự thí điểm. Các nước phương Đông có tình trạng tâm lý mình không thể không quan tâm được, đó là tâm lý con người. Một mặt thấy nó tràn lan khắp nơi, có hiện tượng đó nhưng chính danh, chính thức thì lại không chấp nhận. Ngay Singapore, casino cũng phải bao nhiêu năm lãnh đạo mới cho làm. Tại Singapore, giá trị phương Đông được lãnh đạo quan tâm rất nhiều, có khu mại dâm gom lại và quản lý.

Nếu lấy mục đích tối cao là hạn chế, bảo vệ người hành nghề mại dâm, tiến tới áp dụng luật pháp nghiêm minh trong việc đối phó tệ nạn đó thì khi đã quy định rõ ràng, nếu vi phạm sẽ trừng phạt rất nặng.

Nếu lấy mục đích đó làm tối cao thì phải học tập kinh nghiệm của các nước là áp dụng các phương thức nhất định. Còn tình trạng ở ta không muốn công nhận, không thích công nhận nhưng lại lan tràn khắp nơi và bất lực không thể ngăn chặn được. Những người trực tiếp hành nghề không được bảo vệ, bị các ma cô, đầu gấu bắt nạt, ức hiếp, không được bảo vệ sức khoẻ, từ đó ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng vì không có giám sát.

Theo tôi, đã đến lúc khi chúng ta chấp nhận nhà nước pháp quyền, chấp nhận hội nhập, chấp nhận đất nước văn minh lên thì phải chấp nhận cách làm, lấy mục đích, tiêu chí đặt lên trên hết.

Việt Nam trong mấy chục năm qua cũng đã vượt lên rất nhiều. Có những cái mấy chục năm trước chúng ta có thừa nhận đâu, nhưng bây giờ chúng ta cũng phải thừa nhận.

Nếu chúng ta đồng ý quan điểm, chúng ta sẽ phải thiết kế những đề án một cách khoa học, có sự chuẩn bị tâm lý, có sự chuẩn bị dư luận và phù hợp với đặc điểm, tình cảm của con người Việt Nam.

Một khi gom lại, quản lý, rất nhiều người hiện nay họ có sử dụng “dịch vụ ấy” thì sẽ không dám, đặc biệt cán bộ công chức. Còn cách làm thì phải có đề án, nghiên cứu, chuẩn bị dư luận, thuyết phục.

Đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm UỶ ban Văn hoá giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng:

Một số nước trên thế giới, họ đưa những hoạt động nhạy cảm vào khu phố để quản lý được tốt hơn. Không chỉ là quản lý người hành nghề mà còn quản lý cả cán bộ công chức. Nếu cán bộ công chức "mon men" đi vào khu đó, có nghĩa là có vấn dề. Họ làm rất mạnh. Luật không thừa nhận, nhưng thực tế tất cả các nước trên thế giới đều thấy, càng cấm càng bùng lên. Phải có giải pháp nào đó. Luật lệ nhiều nước không thừa nhận, không luật hoá nhưng do thực tế tồn tại trong xã hội, vẫn phải có giải pháp.

Hiện nay còn 2 quan niệm khác nhau. Một quan niệm cho rằng nếu làm thế vô hình chung thừa nhận, nhưng nếu chúng ta không thừa nhận thì có biến mất không hay nó vẫn tồn tại? Một số nước có giải pháp mềm như gom vào khu. Họ lý giải, như thế còn hơn là phụ nữ Việt Nam phải chạy sang các nước chung biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan... để hành nghề và chúng ta cũng không thể quản lý được. Cũng phải nghiên cứu.

Tôi thấy hiện nay trong dư luận xã hội có nhiều luồng ý kiến khác nhau. UBND TP. Hồ Chí Minh phải nghiên cứu kỹ để tìm giải pháp vừa giảm thiểu tệ nạn xã hội, vừa quản lý được tệ nạn xã hội. Nếu không, người ta vẫn đứng ở gốc cây, góc đường góc phố mà chúng ta không thể có lực lượng xử lý hết.

Về pháp lý, nếu lập khu đèn đỏ có nghĩa là anh thừa nhận. Nếu như không có giải pháp nào cả, cứ để thả lỏng ra, họ đều hút sách, mại dâm khắp các gốc cây, đường phố còn có hại hơn. Lâu nay có những ý kiến coi đó là tệ nạn xã hội, đã có hội thảo phải coi đây là hiện trượng xã hội. Vì thế, phải nghiên cứu thật kỹ. Chúng tôi đang còn cân nhắc, chưa có tiếng nói ủng hộ hay không ủng hộ. Địa phương nào có giải pháp tốt hơn thì trình cơ quan có thẩm quyền. Vừa rồi ở Hải Phòng rộ lên chuyện ở Đồ Sơn, nhiều người nói  làm như thế có thuận lợi, đặc biệt với các tỉnh có khách du lịch nước ngoài rất đông. Chúng ta cũng quản lý được cán bộ công chức đi xe biển xanh qua đó...

Nếu đã có khu như thế, phải đi đôi quản lý chặt chẽ, buông lỏng quản lý coi như chúng ta đã thừa nhận việc đó.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):

Tôi cho rằng nếu cái gì thực tế  đang diễn ra, dùng nhiều biện pháp cấm mà không được trong thời gian dài, chúng ta phải tính lại. Một là phải quyết làm triệt để. Hai là phải có những biện pháp cho tồn tại để quản lý sẽ hiệu quả hơn. Nếu việc nhạy cảm cứ tồn tại, dùng quá nhiều biện pháp mà không làm được, không quản lý được thì phải có biện pháp thu gom vào đâu đó, ban hành những điều khoản trong quy định dưới luật để quản lý thì xã hội sẽ tốt hơn.

Tôi đồng ý với đề xuất của TP. Hồ Chí Minh. Cách tính toán, bước đi phải cho phù hợp. Thực tiễn những cái đó vẫn tồn tại. Chúng ta dùng biện pháp mà không dẹp được, nếu cứ thả lỏng sẽ phức tạp. Cần phải có những khu đó để quản lý chắc chắn, ngoài khu đó ra thì phải xử lý hình sự.

Việc gọi là phố đèn đỏ hay khu nhạy cảm, theo tôi đó chỉ là từ ngữ. Ví dụ ngày xưa không dám dùng từ thất nghiệp, mà dùng chưa có công ăn việc làm; thay từ đình công bằng ngừng việc tập thể... Bản chất như thế nào mới là quan trọng. Theo tôi, phải gọi đúng cái tên theo bản chất, không nên né tránh. Về giáo dục đạo đức, phải bảo vệ đạo đức của người Việt. Bất kỳ dân tộc nào, đánh mất nền văn hoá, đạo đức của dân tộc sẽ gây nguy cơ rất lớn.

Xuân Hưng (ghi)


Ý kiến bạn đọc