(VnMedia) - “Việc một số người thường lợi dụng lúc lực lượng chức năng không có mặt hoặc đang bận tập trung vào việc điều hành giao thông để vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, lấn chiếm làn đường của người đi bộ... là gây khó khăn cho người khác, chúng ta cần lên án những trường hợp đó”, Đá tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội trao đổi với VnMedia.
>>>“Hà Nội hoàn toàn không có văn hóa giao thông!”
>>>Những pha sang đường kỳ lạ của người Thủ đô
>>>Giao thông càng hiện đại càng có cơ hội... phạm luật?!
>>>Hà Nội náo loạn với "cuộc chiến" giành đường
>>>Báo động đỏ văn hóa giao thông Thủ đô?!
- Ông nhận xét thế nào về văn hóa giao thông của người tham gia giao thông ở Thủ đô hiện nay?.
Chúng ta phải thấy rằng, những người tham gia giao thông có văn hóa là những người phải chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ, chấp hành sự điều hành, hướng dẫn của các lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ. Đồng thời, những người có văn hóa giao thông phải là những người có ý thức nhường nhịn lẫn nhau trong khi tham gia giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, mặc dù cảnh sát giao thông xử lý vi phạm trên các tuyến đường rất nhiều, trong đó có biện pháp làm rất mạnh mẽ như thành lập tổ 141 có sự góp mặt của cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và cảnh sát hình sự để chấn áp số thanh niên tham gia giao thông tàng trữ vũ khí để chống lại người thi hành công vụ nhưng vi phạm vẫn diễn ra.
Đây là hành động chứng tỏ một bộ phận thanh niên khi tham gia giao thông chưa chấp hành các quy định của Luật Giao giao thông đường bộ, các hướng dẫn của người chỉ huy, điều hành giao thông và chưa thật sự giúp đỡ nhau và tự giác với bản thân trong tham gia giao thông.
Đá tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội trao đổi với VnMedia. Ảnh: Ngọc Lân |
- Là người trực tiếp tham gia giao thông ở Thủ đô, ông cảm thấy thế nào khi hiện nay ra bất cứ tuyến phố nào của Hà Nội cũng thấy người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, động tắc đường là đi trên vỉa hè hay cứ va chạm xe là đánh nhau…?
Tôi cho rằng đấy là một thực trạng và những hình ảnh đó là không đẹp. Như tôi đã đề cập ở trên, khi tham gia giao thông thì ngoài ý thức chấp hành pháp luật còn cần phải có ý thức hỗ trợ lẫn nhau trong việc đi lại.
Do đó, việc một số người thường lợi dụng lúc lực lượng chức năng không có mặt hoặc đang bận tập trung vào việc điều hành giao thông để vi phạm giao thông như: vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, lấn chiếm làn đường của người đi bộ là gây khó khăn cho người khác, chúng ta cần lên án những trường hợp đó.
- Thưa Đại tá, vài năm nay để nâng cao văn hóa giao thông, Chính phủ và các Bộ, Ngành, thậm chí Phòng CSGT Hà Nội đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao văn hóa của người tham gia giao thông nhưng tại sao không có chuyển biến?.
Như tôi vừa đề cập, để nâng cao văn hóa giao thông, một mặt chúng ta tăng cường xử lý vi phạm bằng nhiều biện pháp. Chúng ta cũng đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhưng tại sao văn hóa giao thông không được nâng lên, vi phạm giao thông vẫn diễn ra?. Tôi cho rằng, việc này là do ý thức của người tham gia giao thông chưa được chuyển biến nhiều.
Theo tôi, chúng ta cần phải kiên trì phối hợp giữa các công tác, trong đó có tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo về vi phạm giao thông về các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của các tổ chức cơ quan khi có người vi phạm được thông báo để xử lý các hình thức thi đua khen thưởng theo Nghị quyết 88 của Chính phủ, theo quy định công chức.
Riêng Phòng CSGT Hà Nội sẽ kiên trì xử lý các vi phạm giao thông theo các chuyên đề đối với những người không có văn hóa giao thông. Theo tôi nếu chúng ta kiên trì và áp dụng các biện pháp đồng bộ thì sẽ từng bước cải thiện được văn hóa giao thông cùng với việc cải thiện hạ tầng giao thông để đảm bảo, điều kiện thuận lợi tốt hơn cho người tham gia giao thông để nâng văn hóa giao thông lên.
|
Nhan nhản những hành vi thiếu văn hóa giao thông ở Thủ đô. Ảnh: Ngọc Lân |
- Hiện nay vi phạm về văn hóa giao thông đang diễn ra nhan nhản trên đường phố nhưng có một thực tế là cảnh sát giao thông rất ít khi xử phạt những trường hợp này. Có ý kiến cho rằng, do lực lượng cảnh sát làm không triệt để dẫn đến nhờn luật và vi phạm càng nhiều. Ý kiến của ông về việc này thế nào?.
Thực tế thì lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng khác thông qua số liệu xử phạt của mỗi tháng đều cho thấy số lượng người vi phạm giao thông bị xử phạt rất nhiều.
Về người tham gia giao thông vượt đèn tín hiệu đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, đi sai giờ quy định, đi vào đường ngược chiều… đây là những hành vi hết sức nguy hiểm cho người tham gia giao thông và gây ùn tắc. Việc này, chúng tôi có mở chuyên đề và xử lý rất kiên trì. Tuy nhiên, tại một số điểm cụ thể, khu vực cụ thể, mọi người thấy vi phạm rất nhiều nhưng lực lượng công an không xử lý vì nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu lúc đó là giải tỏa ùn tắc giao thông.
Hơn nữa, lực lượng cảnh sát giao thông hiện nay đang phải căng mình với các nút giao thông trọng điểm để giải tỏa ùn tắc cho nên mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng khác hiện đã rất cố gắng rất nhiều nhưng vẫn chưa dải đủ được ở các khu vực đó cho nên việc xử lý vi phạm ở các khu vực như vậy là chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc này, muốn làm được cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có trách nhiệm và bản thân những người tham gia giao thông.
-Thưa Đại tá, với những trường hợp như "ông Tây phân làn" hay "phân làn bằng điếu cày", có ý kiến cho rằng, văn hóa giao thông ở Thủ đô đang ở mức báo động đỏ. Quan điểm của ông về việc này thế nào?.
Chúng ta thừa nhận việc thiếu ý thức văn hóa khi tham gia giao thông hiện nay và chúng ta đã kiên trì giữa tuyên truyền và cưỡng chế các hành vi vi phạm.
Chính quyền thành phố đã rất nỗ lực cố gắng để cải thiện tình hình giao thông và hạ tầng giao thông, tuy nhiên thực tế giữa cân đối của người tham gia giao thông và hạ tầng giao thông vẫn còn chênh lệch cho nên việc khó khăn khi tham gia giao thông ở một khu vực nào đó, ở một thời điểm nào đó là đương nhiên.
Theo tôi, chúng ta phải kiên trì và cố gắng nhiều hơn nữa, cùng với sự nỗ lực và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức để nâng dần hình ảnh văn hóa giao thông, nâng dần việc tham gia giao thông thân thiện để góp phần vào ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô.
- Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi!.
Ý kiến bạn đọc