(VnMedia) - Khi các phương thức và hệ thống bảo mật truyền thống không còn tác dụng hiệu quả để đảm bảo an toàn thông tin và dữ liệu, thì càng gây ra nhiều lo ngại và thách thức đối với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân người dùng.
Ngày càng gia tăng
Phát biểu tại Hội thảo -Triển lãm quốc gia về An ninh Bảo mật 2015 (Security World 2015), Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, kể từ khi Việt Nam kết nối với mạng Internet toàn cầu cho đến nay, cả nước đã có hơn 30 triệu người thường xuyên sử dụng Internet, CNTT được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như trong sinh hoạt hàng ngày của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Song song với sự phát triển đó, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng cũng ngày càng trở nên cấp thiết, các nguy cơ mất ATTT đang gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo.
Theo báo cáo khảo sát toàn cầu của PwC, Đông Nam Á là khu vực đang ngày càng chịu nhiều vụ tấn công mạng. 27% các cơ quan chính phủ ở châu Á là mục tiêu của các mối đe dọa an ninh thường trực (APT). Các nhóm tấn công mạng này rất quan tâm đến các mục tiêu đặt tại Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Brunei.
Trong khi đó, báo cáo gần đây của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho hay, phần lớn các cơ quan tổ chức tại Việt Nam cho phép dùng thiết bị cá nhân (di động và máy tính bảng) truy cập vào mạng lưới tại nơi làm việc nhưng có tới 74% trong số thiết bị không hề sử dụng bất kỳ biện pháp bảo mật thông tin nào.
Còn theo Báo cáo của Kaspersky, có 1,4 triệu vụ tấn công người dùng bằng mã độc trên Android năm 2014, tăng gấp 4 lần so với năm 2013; trong đó, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn thế giới về số người dùng thiết bị di động bị mã độc tấn công. Ngoài ra, Microsoft ước tính rằng có khoảng 80% máy tính tại Việt Nam nhiễm các loại mã độc và phần mềm độc hại. Điều này càng làm tăng lên mối lo ngại về vấn đề mất an toàn an ninh thông tin nếu các doanh nghiệp, tổ chức không có biện pháp đối phó kịp thời.
Thách thức lớn đối với các CIO
Trước những hiểm họa tinh vi từ sự phát triển của mạng Internet và các thiết bị kỹ thuật số hiện đại, các phương thức và hệ thống bảo mật truyền thống đã không còn tác dụng hiệu quả để đảm bảo an toàn thông tin và dữ liệu cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân; đòi hỏi phải có những công cụ và kỹ thuật tiên tiến hơn để bảo mật thông tin và dữ liệu nhằm bảo vệ lợi ích cho mọi tổ chức, cá nhân.
Thời gian qua, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp vừa phải ứng phó với các nguy cơ rò rỉ dữ liệu vừa phải liên tục đổi mới giải pháp nhằm nắm bắt và khai thác các cơ hội kinh doanh tiềm năng từ những ứng dụng mạng như: công nghệ di động, điện toán đám mây, thương mại điện tử và dữ liệu lớn. Theo đó, an toàn, an ninh thông tin không còn đóng vai trò như một dự án công nghệ mà còn là một yếu tố quan trọng tác động trực tiếp tới các quyết định kinh doanh, đảm bảo năng lực bảo mật, đồng thời thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng, phát triển của của các DN, tổ chức và cá nhân để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, ông Thành cho biết thêm.
Chính vì vậy, thách thức cho các lãnh đạo CNTT và lãnh đạo về an ninh thông tin trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề.
Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, Đảng và Nhà nước đã và đang quan tâm tới triển khai ứng dụng và phát triển CNTT, cùng với đó là công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Riêng trong năm 2014, có thể kể ra những minh chứng như: Nghị quyết 36/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế có nội dung quan trọng về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; Thành lập Cục ATTT; Hoàn thiện dự thảo Luật ATTT…, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng chia sẻ.
Trước tình hình đó, Security World 2015 được coi là diễn đàn quốc gia lớn và có uy tín. Thứ trưởng cũng đánh giá cao chủ đề của Security World năm nay – “Tăng cường bảo mật và an toàn thông tin (ATTT) trong môi trường rủi ro hiện nay” sẽ giúp đưa ra cảnh báo trước những hiểm hỏa ngày càng tinh vi, những giải pháp, công nghệ tiên tiến giúp nâng cao hiểu biết cũng như có những kỹ thuật tốt hơn để các doanh nghiệp, tổ chức, bảo vệ những thông tin nhạy cảm, đảm bảo áp dụng các kỹ thuật tiên tiến.
Security World là sự kiện thường niên do Tổng cục An ninh-Bộ Công an, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật-Bộ Công an, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT&TT, Trung tâm CNTT & Giám sát An ninh mạng-Ban Cơ yếu Chính phủ Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp tổ chức. Security World 2015 hướng đến mục tiêu giúp các DN, tổ chức nắm bắt và đánh giá được các hiểm họa ATTT hiện hữu, cũng như đề xuất các phương án giúp các tổ chức ứng phó kịp thời trước sự phát triển nhanh chóng của các nguy cơ bảo mật và đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn bảo mật mới. |
Dưới đây là một số hình ảnh triển lãm:
Triển lãm thu hút rất đông khách tham quan.
MKSmart mang tới các giải pháp thẻ thông minh.
BlackBerry mang tới giải pháp quản lý “sâu” tất cả các thiết bị đầu cuối, hội họp trực tuyến và một số smartphone.
Samsung giới thiệu giải pháp bảo mật trên thiết bị di động Knox.
Ý kiến bạn đọc