Tội phạm mạng: Nhận diện những thủ đoạn khó lường

12:39, 24/03/2015
|

(VnMedia) - Ngày mai, 25/3, Tổng cục An ninh, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật - Bộ Công an, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, Trung tâm CNTT & Giám sát An ninh mạng – Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp cùng IDG Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo và Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật 2015 với chủ đề:“Tăng cường bảo mật và an toàn thông tin trong môi trường rủi ro hiện nay”.


‘Ứng xử’ ra sao sau vụ hàng loạt website bị tấn công?
Chuyên gia Nhật nói về bảo mật phương thức C.I.A
 

Chủ đề này và sự tham gia của các đơn vị tổ chức đã cho thấy mức độ hiểm họa và sức nóng của lĩnh vực này, cũng như sự ảnh hưởng của nó trong đời sống kinh tế xã hội hiện nay.

 

Năm 2014, Việt Nam và thế giới đã chứng kiến một loạt những vụ việc về an toàn thông tin và an toàn mạng gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp và tổ chức. Tại Việt Nam, đáng kể nhất phải đến vụ hàng loạt website trong đó có nhiều báo điện tử bị làm tê liệt trong nhiều ngày và gây thiệt hại tới hàng chục tỷ đồng, phải khắc phục sự cố trong thời gian khá dài, gây ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác nhau.

 

Gần đây nhất, vụ việc ngày 14/3, một nhóm hacker với tên gọi DIE Group đã công khai hơn 50.000 thông tin khách hàng của VNPT Sóc Trăng lên Internet và trên Facebook. Nhóm DIE Group đã công khai danh sách của khách hàng VNPT trên một trang chia sẻ các tệp tin trực tuyến mega.co.nz và cho phép bất kỳ ai tải về.

 

VNPT đã kịp thời khắc phục vụ việc này một cách nhanh nhất có thể và danh sách 50.000 khách hàng này chưa bị phát tán trên diện rộng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đã kịp thời rà soát, kiểm tra, nâng cấp các thiết bị để đảm bảo dữ liệu và thông tin khách hàng.

 

Tuy nhiên, hành vi tự do tấn công vào website, đánh cắp dữ liệu và phát tán trên mạng cho thấy mức độ liều lĩnh, nguy hiểm của các nhóm hacker trong nước. Một lần nữa, các vụ việc trên cho thấy, Việt Nam thực sự là mảnh đất ‘màu mỡ’ cho hacker hoành hành. Qua đó cũng cho thấy sự thách thức từ các nhóm hacker trước những cơ quan quản lý và pháp luật.

 

Bên cạnh những hiểm họa mà các hacker có thể gây ra, một số chuyên gia cho rằng, các hacker thường tấn công và các doanh nghiệp lớn, sau đó công bố để chỉ chứng minh ‘khả năng’ của mình để khẳng định sự ‘nổi tiếng’.

 


Ảnh minh họa



Các chuyên gia từ Ngân hàng nhà nước và Cục cảnh sát tội phạm công nghệ cao lại cho biết, từ năm 2014, xu hướng tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao tấn công vào các ngân hàng tăng cao và trong thời gian tới, xu hướng tấn công mạng ngành ngân hàng của tội phạm công nghệ cao còn tập trung vào các hoạt động phi pháp có giá trị lớn như gian lận thẻ ngân hàng, rửa tiền xuyên quốc gia, lừa đảo trong thương mại điện tử; tấn công từ chối dịch vụ, tấn công chọn lọc với đối tượng là cơ quan chính phủ, doanh nghiệp lớn, ngân hàng… để lấy cắp, phá hoại dữ liệu.

 

Có một số xu hướng rất nguy hiểm của các nhóm hacker hoặc tội phạm công nghệ cao là có sự cấu kết có tổ chức, có liên quan đến các yếu tố nước ngoài và sử dụng thiết bị máy móc hết sức tinh vi, phức tạp.

 

Đầu năm 2014, cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đánh sập hai diễn đàn là Vietexpert.info và bkvfamily.info, quy tụ hàng nghìn hacker câu kết với nhau chuyên trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng, trộm tiền trong tài khoản ngân hàng.

Tháng 4/2014 Công an TP Hà Nội đã phát hiện một công ty dùng phần mềm để "theo dõi" hơn 14.000 thuê bao điện thoại di động. Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng) có trụ sở tại tầng 4, tòa nhà 110 Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội có hành vi giám sát trái phép điện thoại của nhiều cá nhân. Công an Hà Nội đã  xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá ổ nhóm đối tượng trên. Sau khi thực hiện các biện pháp trinh sát , công an Hà Nội đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ xác định Công ty Việt Hồng cung cấp trái phép dịch vụ phần mềm giám sát điện thoại di động (tên gọi Ptracker) trên điện thoại có sử dụng hệ điều hành Android.

 

Theo nhận định của chuyên gia về tội phạm mạng của Bộ Công an, trong thời gian tới tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chúng sẽ tăng cường hoạt động trên mọi mặt kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh… với nhiều biểu hiện mới.

 

Các nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia có thể sử dụng công nghệ cao để tấn công xâm nhập trộm cắp, phá hoại dữ liệu, làm tê liệt hệ thống mạng Internet của các cơ quan doanh nghiệp.

 

Những hành vi phổ biến của tội phạm mà các cá nhân và tổ chức cần lường trước bao gồm: lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử; gian lận trộm cắp trong hoạt động thanh toán thẻ; trộm cắp tài khoản người dùng thông qua mạng xã hội, các dịch vụ chat; giả danh công an, nhân viên các nhà mạng… gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; sử dụng mạng Internet để phát tán các loại tài liệu phản động, phần mềm virus, tiếp tục xảy ra với quy mô lớn và hậu quả nghiêm trọng.

 


Thảo Hoàng

Ý kiến bạn đọc